Giá hàng hóa tăng cao: Hai Bộ Tài chính và Công thương đã để lỡ thời cơ?

  • 21/07/2022 12:41:27
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Xăng giảm nhưng giá hàng hóa không giảm sẽ gây áp lực lên lạm phát của Việt Nam những tháng cuối năm. Chuyên gia nhận định, 'giá hàng hóa tăng cao, lên rồi rất khó xuống, hai Bộ Tài chính và Công thương đã để lỡ thời cơ'.

 

Xăng giảm, giá hàng hóa không giảm

Mặc dù giá xăng vừa được điều chỉnh giảm trên 3.000 đồng/lít, nhưng giá hàng hóa, thực phẩm vẫn tăng rất mạnh ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ngày 18/7/2022, giá thịt lợn móc hàm tại các chợ đầu mối đã ở mức 105.000 đồng/kg. Không chỉ giá thịt lợn, mà hầu hết các loại rau, củ, quả cũng tăng giá mạnh. Theo khảo sát của PV, giá nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng cao, trong đó, giá mặt hàng thịt lợn gần như điều chỉnh tăng hàng ngày. Cụ thể, giá thịt lợn loại ngon nhất bán ra ở mức 170.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với ngày hôm trước.

Giá các loại rau, củ cũng liên tiếp được điều chỉnh: Hành lá tăng từ 35.000 đồng/kg lên 42.000 đồng/kg; cà chua từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; bí xanh từ 20.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; hành, tỏi cũng tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg… Các hàng bún, phở trên địa bàn Hà nội cũng tăng giá từ 5000-10.000 đồng/bát.

Giá thịt lợn tăng cao

Lý giải về tình trạng xăng giảm nhưng giá hàng hóa không giảm, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện nay hàng lương thực, thực phẩm tăng nóng từng ngày. Khi giá xăng giảm còn 26-27 nghìn đồng nhiều người hi vọng là giá cả giảm. Nhưng mà không giảm mà nó lại lên. Theo tôi quan sát thì rau có giảm đi đôi chút, nhưng thịt bò, thịt lợn thì tăng 27%. Thịt lợn hơi miền bắc lên 70k/kg, miền nam giá sêm sêm như thế. Nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, nên giá cả thị trường lên xuống cần có độ trễ nhất định, tức có thể hiểu là cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực điều chỉnh giá cả. Cụ thể, hàng hóa thành phẩm, nhất là hàng hóa nhập khẩu, muốn giảm giá phải phụ thuộc vào hàng hóa thế giới và phải có độ trễ nhất định do vận chuyển, thời điểm hàng hóa được sản xuất giá cả thế nào... Hơn thế nữa, mọi thứ vẫn còn phải “nghe ngóng” tình hình với kỳ điều hành xăng dầu tiếp theo (ngày 21/8) tới rồi mới tính tiếp.

“Hai Bộ Tài chính và Công thương đã để lỡ thời cơ. Đáng lẽ phải hạ giá xăng sớm từ  tháng 2, tháng 3 nhưng để đến nay mới chỉ giảm được 3000 đồng. Thời cơ rất quan trọng, ông để giá tăng quá cao rồi mới kéo xuống thì khó để giảm giá. Giá mà tôi đã theo dõi nhiều năm nay thì nhìn chung là lên rồi rất khó xuống. Lên ba bậc xuống nửa bậc hoặc không xuống. Kêu là tăng giá té nước theo mưa nhưng để bắt và xử phạt tình trạng này rất khó”, ông Phú khẳng định.

Hàng hóa không thiếu thì sẽ không đẩy lạm phát lên cao

Các chuyên gia đánh giá, trong thời gian còn lại của năm 2022, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch ... Ngoài ra, làm phát còn chịu áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công trong giai đoạn tới; giá dịch vụ giáo dục dự kiến tăng mạnh trong năm học 2022 -2023, chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục…

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, từ nay cho đến cuối năm thì tình hình giá cả sẽ tiếp tục biến động và những mặt hàng mà Việt Nam phụ thuộc vào như dầu thô, phân bón, logistics… thì Việt Nam sẽ khó có thể kiểm soát được. Việt Nam là một nền kinh tế rất mở, xuất khẩu cũng rất lớn và nhập khẩu cũng rất lớn. Vì Việt Nam nhập khẩu xăng và các mặt hàng khác cho nên cũng nhập khẩu cả lạm phát từ các cái mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu.

Hàng nghìn tàu cá nằm bờ vì giá xăng tăng cao khiến nguồn cung thủy sản khan hiếm.

“Để ổn định cung cầu, giá cả trên thị trường trong những cái tháng cuối năm là điều quan trọng nhất. Muốn làm được thế, chúng ta phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Chúng ta cung cấp được cân đối các cái mặt hàng cơ bản như là rau quả, thực phẩm… Lạm phát có thể tăng lên, thì chúng ta lại càng phải giữ cân bằng các mặt lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản. Nếu bảo đảm hàng hóa không thiếu thì sẽ giữ được cân đối giữa cung và cầu và sẽ không đẩy lạm phát lên cao”,  Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và Kế hoạch triển khai 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất nổi bật về kinh tế xã hội, chính trị ổn định, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, các chỉ tiêu về kinh tế xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Trong thành tích chung có sự đóng góp rất quan trọng và tích cực của ngành Công Thương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng thách thức vẫn còn ở phía trước như tình hình lạm phát trên phạm vi toàn cầu, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng nguồn cung về nguyên vật liệu, các vật tư chiến lược như xăng dầu, phân bón hoặc các hóa chất cơ bản là các nguyên liệu cho các ngành sản xuất mà Việt Nam đang có lợi thế trong việc xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm trong đó sẽ đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:

Nguồn ảnh: Internet

Việc điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra Việt Nam sẽ cố gắng cân đối thu chi và sẽ không có lạm phát quá lớn. Hiện nay Chính phủ đang cố gắng để duy trì mức lạm phát dưới 4%. Tôi nghĩ rằng nếu như Việt Nam giữ được mức lạm phát cơ bản là 4,5% - 4,7% thì đấy cũng đã là một thành tích đáng ghi nhận.

TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia tài chính:

Nguồn ảnh: Internet

 Chỉ số thống kê của Việt Nam hiện nay thì không có lạm phát nhưng thực tế trên thị trường thì hiện nay Việt Nam đang bị lạm phát, ngoài chợ giá cả đang tăng lên ầm ầm. Thế nhưng con số thống kê thì lại cho thấy lạm phát rất ổn chỉ 2,44%. Hiện nay con số giá cả lương thực, thực phẩm thì tăng chóng mặt nhưng mà cái chỉ số lạm phát thì lại rất là thấp. Như thế nó đã phản ánh thực sự nền kinh tế chưa, trong khi đó Tổng cục thống kê vẫn công bố họ thống kê đúng?.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội:

Nguồn ảnh: Internet

Người làm chính sách phải ăn cơm với công nhân, di chuyển nhiều hơn để mà làm chính sách chứ không chỉ ngồi trong phòng máy lạnh. Nếu chỉ ngồi máy lạnh để ra chính sách thì không thể chính xác được. Chỉ số CPI tại Việt Nam 6 tháng chỉ tăng 2,44% vừa rồi tại các hội thảo các chuyên gia cho rằng con số này không phản ánh đúng thực tế. Giá các mặt hàng đang tăng rất mạnh, từ giá vận tải hành khách, giá lương thực thực phẩm, giá ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ vui chơi giải trí, giá các mặt hàng may mặc, giày dép... Trong khi đó, với CPI trung bình 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, giá cả dường như chưa ảnh hưởng gì tới mức sống người dân. Trong giỏ hàng hoá của Tổng cục Thống kê, chỉ có 700 mặt hàng tính giá, trong khi đó cuộc sống hàng vạn mặt hàng. Cùng với đó, chủ yếu lấy giá ở nhóm chợ nhưng giá khu vực ở chợ không niêm yết, “sáng nắng chiều mưa”, khó có thể phản ánh trọn vẹn. Vì vậy nhà quản lý cần nhanh nhạy hơn khi đưa ra hoạch định chính sách.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận