Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Công văn số 7048/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá, Thanh tra Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Trước đó ngày 25/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 01/CT-BTC chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN riêng lẻ.
Thông cáo của Bộ Tài chính cho biết, sau khi có Chỉ thị số 01/CT-BTC, việc phát hành TPDN có giảm mạnh trong tháng 4/2022, nhưng đã tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2022. Tổng khối lượng phát hành lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 257.857 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 44.757 tỷ đồng). Qua theo dõi, giám sát việc phát hành TPDN Bộ Tài chính nhận thấy, xuất hiện một số hành vi bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị nêu trên căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành, huy động TPDN riêng lẻ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các hoạt động trên thị trường TPDN.
Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ, tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan, để Bộ Tài chính sớm trình lại Chính phủ nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01/CT-BTC và Thông báo số 396/TB-BTC ngày 12/7/2022 của Bộ Tài chính, rà soát khung pháp lý về phát hành và giao dịch TPDN riêng lẻ được quy định tại Luật Chứng khoán, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Chứng khoán và các văn bản quy định chi tiết; đề xuất các giải pháp sửa đổi quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo phù hợp với thực tế và cơ chế quản lý, giám sát đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, minh bạch, an toàn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt đối với việc tuân thủ pháp luật về phát hành TPDN của các doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trước ngày 31/7/2022.
Đồng thời, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị: Thanh tra Bộ Tài chính; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính và các đơn vị liên quan theo dõi sát danh sách các doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu bất thường, phát hành dưới nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp, phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu... để quản lý và thanh tra xử lý nghiêm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu, các cơ quan liên quan sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, khẩn trương thực hiện công bố thông tin rộng rãi các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt vi phạm hành chính để chấn chỉnh, đảm bảo minh bạch thị trường.
Thanh tra Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về TPDN; hoạt động xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp phát hành. Khi phát hiện vi phạm các quy định pháp luật thì theo mức độ vi phạm, các đơn vị thực hiện xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh theo quy định hoặc chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, các cơ quan này khẩn trương thực hiện công bố thông tin rộng rãi các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt vi phạm hành chính để chấn chỉnh, đảm bảo minh bạch thị trường.
Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán; trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về kiểm toán, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, không đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khi cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính, các hồ sơ công bố thông tin của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá, đảm bảo chất lượng thẩm định khi cung cấp dịch vụ thẩm định giá; đặc biệt cần chú trọng việc thẩm định giá các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp; trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật./.
Diệp Diệp/VOV.VN