Sáng nay (26/7), tại TP.HCM, Tạp chí Hải quan tổ chức tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản”.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay, trước những khó khăn do Covid-19 và việc nhiều quốc gia siết chặt các tiêu chuẩn, quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa, ngành Hải quan và các ngành có liên quan tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xuất nhập khẩu. Riêng ngành Hải quan sẽ tăng cường kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa trước khi thông quan, đặc biệt các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, tránh rủi ro.
Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu trị giá trên 1 tỷ USD mỗi năm, như cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra… Xuất khẩu không những kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trong nước.
Sau Covid-19, xuất khẩu đang là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, trong đó ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 28 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, hàng hóa nông, thuỷ sản Việt Nam đang còn tồn tại một số vấn đề như chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch; kim ngạch xuất khẩu vào thị trường cao cấp còn ít; quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn, chế biến còn hạn chế… Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xung đột vũ trang Nga - Ukraine, chi phí dịch vụ, vận tải logistics tăng cao... dẫn đến khó khăn doanh nghiệp, hạn chế năng lực cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa.
Theo ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng Cục Hải quan), trước yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn, quy định chất lượng đối với hàng hóa của Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Tổng Cục Hải quan sẽ tạo điều kiện thông quan hàng hóa, nhưng cũng yêu cầu doanh nghiệp chủ động phối hợp điều tiết mùa vụ, chủ động vùng nguyên liệu trong sản xuất, đầu tư các vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dư lượng thuốc và kiểm dịch thực vật.
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Bùi Hoàng Yến, Tổ Phó Tổ công tác miền Nam, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) khuyến cáo, phương án dài hạn và bền vững, cần phải tính đến việc xuất khẩu chính ngạch, tránh xuất khẩu tiểu ngạch như xưa nay. “Về phía cơ quan chức năng, Bộ Công Thương cũng phối hợp với ngành Hải quan và Bộ NN&PTNT để hỗ trợ doanh nghiệp lưu thông hàng hóa và thông quan tốt hơn”, bà Yến cho biết./.
Theo VOV.VN