Giá xăng, dầu giảm ảnh hưởng thế nào tới nguồn thu ngân sách?

Tính ở thời điểm cuối tháng 7 này, giá bán lẻ xăng, dầu vẫn cao hơn thời điểm đầu năm nay từ 2.500 - 3.600 đồng/lít, với dầu Diezel còn chênh lệch cao hơn.

 

Giá xăng dầu từ đầu năm do giảm thuế tổng cộng khoảng trên 6.000 đồng/lít, nhưng so với số tăng gần 11.000 đồng/lít, kỳ vọng của doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn mong muốn giảm tiếp, bởi còn dư địa ở việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế nhập khẩu xăng dầu. Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính trao đổi chi tiết về vấn đề này.

Thưa ông, hiện nay thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đã giảm kịch khung. Với loại hình thuế khác như: Thuế GTGT, thuế TTĐB, nhất là đối với thuế nhập khẩu xăng dầu thì có ý kiến chuyên gia cho rằng có còn dư địa để giảm. Vậy ông đánh giá như thế nào về nhận định này và dư địa để giảm sẽ như thế nào?

Xăng dầu nhập khẩu đang thực hiện theo các FTA cũng như là các Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc có mức thuế đối với xăng là 8% và dầu là 0%. Tuy nhiên, đó là mức đã cam kết với quốc tế và chỉ còn có mặt hàng thuế ưu đãi đối với xăng dầu, nên hiện nay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ và có chủ trương, cho phép Bộ Tài chính phối hợp Bộ Tư pháp thực hiện việc điều chỉnh thuế xuất - nhập khẩu giảm từ 20% xuống 10%.

Tuy nhiên, tôi cũng chia sẻ rằng việc giảm thuế đối với xăng từ 20% xuống 10% không có ý nghĩa nhiều bởi vì hiện tại nguồn nhập khẩu chính của mình là từ các nước ASEAN cũng như Hàn Quốc, còn nhập từ các nguồn khác rất ít - khoảng 5%. Việt Nam cũng phải giảm mức thuế EFM này xuống để đa dạng nguồn cung và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chỉ đạo, nếu xăng dầu tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao thì có thể trình Quốc hội để giảm thuế TTĐB cũng như thuế GTGT.

Giá xăng dầu từ đầu năm do giảm thuế tổng cộng khoảng trên 6.000 đồng/lít.

Vì vậy, hiện nay Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến của giá xăng dầu và sẽ có phương án trình Chính phủ, UBTVQH cũng như trình QH để xem xét có thể giảm thuế GTGT, thuế TTĐB như chỉ đạo…

Vậy là khả năng sẽ có nhiều khoản thuế và phí giảm xuống. Vậy điều này có gây nên áp lực đối với nguồn thu ngân sách nhà nước từ nay đến cuối năm không, thưa ông?

Tổng nguồn giảm thu từ đầu năm 2022 đến giờ thì UBTVQH đã ban hành Nghị quyết 13 giảm 50% đối với nhiên liệu bay, sau đó ban hành tiếp Nghị quyết 18 giảm 50% đối với xăng dầu, còn dầu hoả là 70% và nay là Nghị quyết 20 giảm về mức sàn; như vậy tổng mức giảm nguồn thu ngân sách khoảng 33.400 tỷ và bình quân mỗi tháng giảm khoảng 4.193 tỷ đồng…

Cụ thể thì tác động của giá xăng dầu cũng như giá dầu thô ra sao đối với nguồn thu ngân sách nhà nước trước các biến động như vậy, thưa ông?

Khi ta xây dựng dự toán ngân sách nhà nước thì mức giá dầu thô ở mức 60 USD/thùng, nhưng hiện nay với kịch bản khoảng 110 USD/thùng thì số tăng thu ngân sách nhà nước cũng khoảng là 2.584 tỷ đồng/tháng. Vậy bù trừ lại giữa mức giảm do giảm thuế bảo vệ môi trường và mức tăng thu do giá dầu thô tăng lên thì số giảm cũng khoảng 1.300 tỷ/tháng. Vậy với mức như thế thì ngân sách nhà nước cũng có thể đáp ứng được trong thời gian tới, tuy nhiên nếu giảm thêm mức thuế GTGT với thuế TTĐB thì mức giảm sẽ rất lớn…

Xin cảm ơn ông!/.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận