Giá giảm nhanh nhưng vẫn ở mức cao
Từ đầu năm đến nay, xăng, dầu đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 6 lần giảm. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế từ ngày 11/7 đã góp phần đưa giá xăng trong nước xuống dưới mức 30.000 đồng/lít. Cùng với 2 lần giảm giá theo giá thế giới, tổng mức giảm giá xăng dầu đến nay đã hơn 6.000 đồng/lít, tương đương khoảng 20% so với thời điểm cuối tháng 6 vừa qua.
Đây được đánh giá là động thái tích cực, thể hiện nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội nhằm kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho đời sống và sản xuất kinh doanh. Đối với người dân, doanh nghiệp, mức giảm này chưa “thấm” vào đâu so với mức tăng nóng của giá xăng, dầu trong thời gian qua, chỉ là giải tỏa phần nào áp lực tăng giá nhiên liệu cũng như giá các mặt hàng khác.
Công cụ thuế, phí cần thiết
Đến nay, mặc dù các giải pháp, công cụ điều tiết giá xăng, dầu đã được cơ quan điều hành sử dụng linh hoạt, tuy nhiên, giá mặt hàng này vẫn neo ở mức cao. Dư địa để “hạ nhiệt” giá xăng, dầu tại nước ta hiện vẫn có thể trông chờ vào thuế, phí, việc lựa chọn "hy sinh" ngân sách tạm thời để hỗ trợ nền kinh tế là hoàn toàn cần thiết.
Từ cơ cấu giá bán lẻ xăng, dầu hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, dư địa để giúp kìm giá xăng, dầu hiện vẫn còn, thông qua việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu bởi các loại thuế, phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá xăng.
Ngoài thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít xăng hiện nay đang phải "cõng" các sắc thuế khác như thuế nhập khẩu 10%; thuế giá trị gia tăng 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5RON92 là 8%). Nếu cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ Bình ổn..., các loại thuế và chi phí khác đánh vào mặt hàng xăng, dầu của Việt Nam chiếm 28-35% giá bán lẻ. Góp ý vào dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, phía Bộ Công Thương cho rằng, xăng là mặt hàng chiếm tỷ trọng khoảng 37% - 40% trong tổng số lượng tiêu thụ các mặt hàng xăng dầu trên cả nước nên không phải là mặt hàng có lượng tiêu dùng nhỏ (chỉ sau dầu diesel). Mặt khác, xăng lại là mặt hàng có số lượng đối tượng bị tác động lớn nhất do hầu hết người dân đều sử dụng xăng để đi lại (dùng cho xe máy và ô tô dùng xăng, đây là các loại phương tiện đang sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay).
Do đó, Bộ Công Thương có ý kiến cần cân nhắc xem xét lại quan điểm đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng dầu do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân. Mức thuế TTĐB đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 7% - 10% là con số tương đối lớn trong cơ cấu giá xăng dầu (chiếm khoảng 2.000-2.500 đồng/lít trong mức giá xăng hiện nay) nên việc điều chỉnh giảm thuế TTĐB sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc kiềm chế sự tăng cao của giá xăng dầu trong thời gian tới.
Tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp
Áp lực tăng giá xăng dầu luôn khiến các doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn. Giữ giá cước thì thua lỗ, tăng giá cước theo giá xăng dầu cũng không dễ. Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, giá xăng giảm sẽ giúp doanh nghiệp nói chung và ngành vận tải nói riêng giảm chi phí sản xuất, vận hành. Tuy vậy, diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn hết sức khó dự đoán, trong khi đó, ở trong nước, dư địa giảm giá vẫn còn.
“Chính phủ, các Bộ, ngành có thể tiếp tục đề xuất mạnh việc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng giảm xuống nữa, giúp giá cả thị trường, chi phí giảm, doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh”.
Trước mong mỏi của người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp tục có chính sách ổn định giá xăng, dầu, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần xem xét xăng, dầu như một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng để đánh các sắc thuế phù hợp. “Cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng, dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn”, bà Hương nói.
Cùng chia sẻ quan điểm này, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phân tích, hiện có 3 sắc thuế đối với xăng, dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT) đang đánh vào phần trăm (%) của giá bán lẻ xăng, dầu trên thị trường. Do đó, nếu giảm được các sắc thuế này thì giá xăng, dầu sẽ giảm được nhiều.
“Giảm thuế, phí đối với xăng, dầu sẽ tác động ngay đến nguồn thu ngân sách với những con số rất cụ thể. Ngược lại, nếu giá xăng, dầu vẫn ở mức cao, sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống mọi người dân. Hậu quả của tác động tiêu cực này chưa định lượng ngay được, nhưng chắc chắn là không nhỏ”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Đồng tình với việc đồng loạt giảm các loại thuế, phí xăng, dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách giảm đáng kể, song theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, không nên nhìn một chiều rằng khi giảm thuế thì nguồn thu giảm. Cần nhìn theo hướng lâu dài hơn là khi nền kinh tế được tiếp sức thông qua việc giảm chi phí đầu vào, các ngành sản xuất khởi sắc, tiêu dùng gia tăng thì nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT với hàng hóa... hoàn toàn có thể bù đắp được hụt thu, thậm chí có lợi hơn.
“Nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, bởi trong hai năm đại dịch đã lấy đi phần tích lũy. Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistics... Ưu tiên hàng đầu lúc này là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội”, chuyên gia Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đề xuất thêm phương án nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, có 3 biện pháp cần lưu ý, tập trung thực hiện để kiềm chế tối đa mức tăng của giá xăng, dầu.
Theo đó, ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu một cách hiệu quả, linh hoạt; điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng, dầu thì trong trường hợp giá xăng, dầu tăng quá cao, cần đề xuất các chính sách an sinh để hỗ trợ người dân, đặc biệt các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách...; các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng DN khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến động giá xăng, dầu...
Tiếp tục đề xuất giảm các loại thuế, phí
Liên quan tới việc tiếp tục có phương án điều chỉnh thuế đối với mặt hàng xăng, dầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây đã giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh... để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2022.
Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ tiếp tục đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm VAT đối với xăng và dầu. Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%, nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng, dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN