Bước sang năm nay, do tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều hoạt động kinh tế được nối lại… cộng đồng DN cũng có nhiều tín hiệu tích cực, khởi sắc. Mặc dù vậy, từ nay đến cuối năm đang có nhiều biến động phức tạp từ thị trường, khiến các DN phải chủ động kế hoạch, kịch bản, sẵn sàng ứng phó để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong năm nay.
Theo Tổng cục Thống kê, số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng qua đạt 133.700 DN, tăng 26,8% so với cùng kỳ, vượt mốc 105.400 DN của năm ngoái. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang cho biết, đây là những tín hiệu tích cực đối với kinh tế của đất nước sau 2 năm ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.
“Sau khi đại dịch cơ bản được khống chế, 6 tháng đầu năm nay sản xuất kinh doanh của các DN cơ bản được phục hồi. Đến thời điểm này, nhiều DN đã vượt qua mốc trước đại dịch và dần có tăng trưởng là những tín hiệu rất khả quan đối với cộng đồng DN. Cùng với đó, nhiều DN cũng đang mở rộng thêm ngành nghề sản xuất kinh doanh là tín hiệu hết sức tích cực”, ông Thập lạc quan.
Một trong những lĩnh vực có tín khởi sắc những tháng qua là dệt may, khi tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng may mặc đạt gần 7 tỷ USD, tăng hơn 19%, nhập khẩu toàn ngành dệt may 6 tháng đạt 13 tỷ USD, tính chung 6 tháng đầu năm, toàn ngành dệt may xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD.
Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Hồ Gươm cho biết, trong những tháng qua, DN đều hoàn thành và vượt kế hoạch đã đề ra, 6 tháng cuối năm và sang năm tới, DN tiếp tục tìm kiếm những chiến lược phù hợp, tạo ra các sản phẩm xuất khẩu phù hợp với thị trường nước ngoài. “Tuy nhiên, bản thấn DN vẫn nỗ lực tìm mọi cách để tiết giảm chi phí, tối ưu hóa đặc biệt công nghệ thông tin cần phải phát huy tối đa để tất cả các DN có thể liên kết với nhau để giảm chi phí”, bà Ty cho biết.
Ngoài những DN có đánh giá khả quan, một số DN cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm sẽ tiềm ần nhiều rủi ro lớn như giá nguyên, vật liệu… khi tình hình địa chính trị phức tạp, lạm phát tăng cao và có thể kéo sang cả năm 2023… Do đó những tháng cuối năm sẽ là thử thách mà DN phải đối mặt.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hương Sen cho rằng, cần có sự hỗ trợ từ cấp vĩ mô, sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi DN đã ban hành, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ năm 2022. Cùng với đó, nên quan tâm nhiều hơn đến các DN có yếu tố sản xuất, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh…
“DN cũng phải tính toán đến những hạng mục đầu tư cần thiết. Những hạng mục nào chưa cần thiết tạm thời chưa đầu tư trong lúc này, khi biến động về tỷ giá, biến động ngoại tệ đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng vơi đó, DN cần chọn những thị trường phù hợp để xuất khẩu hàng hóa, kết hợp với tái cấu trúc lại DN cho phù hợp để tiết kiệm mọi chi phí, để có khả năng phát triển trong thời gian tới”, ông Đỗ Văn Vẻ nêu quan điểm.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh tình hình còn nhiều biến động như hiện nay, các DN cần phải tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí và không ngại thay đổi để thử nghiệm những cơ hội mới. Đồng thời, thúc đẩy việc mở rộng mối liên doanh, liên kết để thành lập tham gia vào các chuỗi, qua đó để doanh nghiệp cùng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Điều quan trọng hơn là cần chú trọng đào tạo chất lượng nguồn nhân, tập trung đầu tư sản xuất cũng như tăng năng suất lao động. Qua đó để giảm được giá thành, giảm chi phí tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh mới giúp DN phát triển bền vững./.
Nguyễn Hằng/VOV