Đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt - góp phần phát triển thị trường trong nước

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp người tiêu dùng tiếp cận với hàng hoá chất lượng.

 

Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, hiện hàng Việt Nam đang ngày càng được lựa chọn nhiều bởi giá thành hợp lý, phù hợp với túi tiền của các tầng lớp trong xã hội. Cùng với đó, chất lượng, mẫu mã ngày càng được nâng lên, phong phú về chủng loại… các mặt hàng được nhiều người lựa chọn nhất là: nông sản, thời trang, hàng tiêu dùng…

“Tôi và gia đình tôi đều tin dùng hàng Việt Nam. Mẫu mã đẹp, chất lượng qua từng năm cũng nâng lên, được cải tiến nhiều hơn, giá thành phù hợp với mọi người. Những mặt hàng của Việt Nam sản xuất tôi hay mua quần áo, giày dép… tôi thấy mẫu mã rất đẹp, mặc vào thoải mái”, một người tiêu dùng tại Hà Nội chia sẻ.

Thực hiện triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã triển khai nhiều giải pháp kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng trong nước; tăng tỷ lệ nội địa hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; mở rộng thị trường, đặc biệt các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Từ đó, thể hiện tốt vai trò quan trọng của mình trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: lương thực, thực phẩm...

Ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, từ năm 2019, Tổng Công ty đã đầu tư và triển khai sản thương mại điện tử Postmart.vn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ đối với các sản phẩm trong nước sản xuất. Riêng năm ngoái, tổng sản lượng giao dịch đã đạt 120 tỷ đồng, đã giao dịch được hơn 100.000 tấn nông sản mùa vụ cho bà con nông dân tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Bắc Giang, Lào Cai, Bến Tre… cùng rất nhiều địa phương… đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân và nhiều doanh nghiệp trong cả nước.

“Đó là những dấu ấn đầu tiên, quan trọng của sàn thương mại điện tử của Postmart của Bưu điện Việt Nam đã làm được trong 2 năm qua khi đại dịch bùng phát. Hiện nay, với nhiệm vụ được Chính phủ, các Bộ Thông tin và Truyền thông giao đó là xây dựng và triển khai sàn thương mại điện tử của Postmart trở thành sàn thuần Việt, để đưa toàn bộ sản phẩm nông sản đặc sản vùng miền cũng như các sản phẩm của Made in Việt Nam lên sàn thương mại điện tử”, ông Chu Quang Hào cho biết.

Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, đổi mới, sáng tạo để hàng Việt Nam ngày càng chiếm lĩnh thị trường.Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã lên đến 80-90%, riêng tỷ lệ hàng Việt tại chuỗi siêu thị Go của Tập đoàn Central Retail đã lên đến 94-96%; tại chợ truyền thống đạt 60-70%... Như vậy, Cuộc vận động rõ ràng đã mang lại hiệu quả hết sức to lớn.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, để tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án có ý nghĩa tích cực trong việc đảm bảo đời sống của người dân, duy trì phát triển kinh tế- xã hội ổn định trước bối cảnh đang có nhiền biến động về khủng hoảng kinh tế trên thế giới; thách thức của hội nhập và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19…

“Đề án này hướng tới mục tiêu để góp phần phát triển thị trường trong nước, tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối. Từ đó, thiết lập các chuỗi giá trị chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau từ người sản xuất đến người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương từ doanh nghiệp và đến các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản đặc biệt đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Để tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như để hàng Việt ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước hơn nữa, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, đổi mới, sáng tạo đầu tư trang thiết bị khoa học công nghệ hiện đại để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thúc đẩy việc mở rộng mối liên doanh, liên kết thành lập tham gia vào các chuỗi… để sản phẩm, dịch vụ ngày càng chất lượng./.

Nguyễn Hằng/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận