Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đề phòng lừa đảo quốc tế

Nguyên nhân dẫn đến những vụ lừa đảo từ đối tác nước ngoài là bởi các DN đã quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác.

 

Nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế, cũng như nhận diện được những rủi ro tương tự trong hoạt động thương mại để phòng, tránh tranh chấp, lừa đảo khi triển khai các giao dịch xuất nhập khẩu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế”.

Xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Song song đó cũng xuất hiện không ít tình trạng lừa đảo khiến doanh nghiệp bị thiệt hại. Số liệu từ Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu cho thấy, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo, giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD, giá trị trung vị là 117.000 USD. Tại Việt Nam các doanh nghiệp bị lừa bởi khách hàng, nhà cung cấp, các bên trung gian… Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo.

Gần đây, vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa xuất khẩu hạt điều sang Italy đã khiến bị thiệt hại nặng nề. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, sau hơn 5 tháng đến nay vụ việc đã được xử lý cơ bản thành công. Từ nguy cơ mất trắng hàng chục container với trị giá hàng trăm tỉ đồng, do có sự hỗ trợ đắc lực từ các Bộ, ngành… các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã không mất một container nào vào tay những kẻ lừa đảo, mặc dù chúng đã chiếm đoạt được gần 40 bộ chứng từ gốc của gần 40 containers.

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên là bởi các doanh nghiệp đã quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. Mặt khác, trong thời gian dịch bệnh khó khăn, có được những đơn hàng lớn nên mong muốn bán được hàng; nhất là vào thời điểm thị trường ít có giao dịch; phương thức thanh toán nhiều rủi ro…

“Sự cố 74 container của 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất đi Italy trong thời gian qua đã được Hiệp hội Điều rút ra một số bài học kinh nghiệm. Các doanh nghiệp nên chọn các nhà môi giới có uy tín; từng thời kỳ cũng nên cẩn thận kiểm tra lại để có sự tin tưởng cập nhật mới nhất; tìm hiểu về thông tin của khách hàng. Sự việc 74 container xuất khẩu, xảy ra tình trạng khi tìm hiểu thì địa chỉ của người mua hoàn toàn không có thật; đó là những địa chỉ giả chúng ta cũng phải nên tìm hiểu thị trường mua”, ông Bạch Khánh Nhựt nói.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, để phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế, các doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập, không vội vàng giao kết hợp đồng. Cùng với đó, cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác, kẻ lừa đảo thường dùng các thủ đoạn rất tinh vi, nên dùng các phương thức thanh toán an toàn hơn. Khi xảy ra vụ việc, cần nhanh chóng báo cáo, nhờ sự trợ giúp của Hiệp hội ngành nghề.

Để phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế, các doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập, không vội vàng giao kết hợp đồng.

Ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp nên thận trọng hơn với doanh nghiệp đối tác mới giao dịch lần đầu; nên thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng để tránh những rủi ro; đối với môi giới các doanh nghiệp cần hiểu rõ địa vị pháp lý của họ để sử dụng đúng, hạn chế những bất chắc có thể xảy ra.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, các doanh nghiệp cần nắm vững pháp luật khi giao dịch. “Vấn đề quan trọng hàng đầu là các doanh nghiệp phải nắm vững pháp luật, trong nước căn cứ vào pháp luật và ngoài nước căn cứ vào luật chơi. Các quy tắc, các luật lệ quốc tế ngoài việc doanh nghiệp phòng ngừa phải có phương án ứng phó, phải dự tính trước kịch bản trước để khi xảy ra rủi ro biết tự giải quyết thế nào, sử dụng các cơ quan chức năng ra sao. Khi các doanh nghiệp không có phương án đề phòng sẽ có nguy cơ lúng túng, nên cần tìm hiểu thông tin thông qua chuyên gia, các tổ chức và đơn vị thành thạo việc này”, Luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo./.

Nguyễn Hằng/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận