Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ khí hóa lỏng hàng năm ở Việt Nam vào khoảng 2 - 2,2 triệu tấn, song chủ yếu phục vụ nhu cầu dân dụng và thương mại. Trên thực tế, sản lượng khai thác khí hàng năm tại Việt Nam đang suy giảm, trong khi nhu cầu sử dụng khí tăng cao, cùng đó là những khó khăn trong việc tìm kiếm, thăm dò, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho kinh tế xã hội. Do vậy, kế hoạch trong tương lai sẽ phải duy trì ổn định nguồn cung cấp khí hiện có kèm theo nhập khẩu khí hóa lỏng LNG.
Các ứng dụng từ sản phẩm khí còn thấp
Đánh giá tại "Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam: Xây dựng thị trường khí Việt Nam cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả" do Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 25/8, nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế từ hạ tầng cơ sở đang là điểm nghẽn cho phát triển thị trường khí hóa lỏng.
Đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, hệ thống kho chứa khí với 54 kho đầu mối và tuyến sau trải dài khắp 3 miền đất nước đã đảm bảo kênh phân phối khí LPG (sản xuất từ lọc dầu, chủ yếu dùng trong gia đình) hoạt động trơn tru, không bị đứt gãy nguồn cung khi xảy ra các sự cố cục bộ, khách quan. Song hiện nay, khí LPG được sử dụng chủ yếu cho dân dụng, các ứng dụng từ sản phẩm LPG còn thấp, do vậy sản lượng tiêu thụ rất thấp, dẫn đến quy mô hệ thống kho cảng LPG chủ yếu là kho cảng nhỏ, năng lực nhập hàng hạn chế.
Còn với khí thiên nhiên hóa lỏng LNG đòi hỏi công nghệ và thiết bị phức tạp, còn mới, ở Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng và vận hành. Tàu vận tải khí LNG thông thường có dung tích lớn, đòi hỏi phải có các cảng nước sâu để tiếp nhận tàu, đây là khó khăn khi xây dựng kho LNG tại Việt Nam. Ngoài ra, việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho LNG đến các khách hàng công nghiệp và dân dụng cũng gặp nhiều khó khăn về quy hoạch, do thiếu đồng bộ khi các khu công nghiệp được quy hoạch chưa tính đến dành hành lang tuyến cho ống dẫn khí đốt.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khí trong nước, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, Vụ này dự kiến cơ sở hạ tầng tồn trữ của các kho chứa khí phải đạt quy mô 3,5-4 triệu tấn/năm vào năm 2025 và khoảng 4,5-5 triệu tấn/năm vào năm 2035 và đảm bảo yêu cầu dự trữ tối thiểu đạt trên 15 ngày cung cấp.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý
Theo ý kiến từ nhiều chuyên gia, muốn đảm bảo cơ sở hạ tầng có khả năng đảm bảo nguồn cung khí trong thời gian tới, trước hết cần có định hướng mở rộng và xây mới kho chứa khí LPG từ lọc dầu, để nhập khẩu đủ nhu cầu phát triển các nhà máy công nghiệp và các khách hàng. Cùng đó là xây mới và mở rộng kho khí hóa lỏng LNG hiện có đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các dự án điện khí, các khách hàng công nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, để xây dựng các định hướng phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng khí Việt Nam khả thi và có hiệu quả sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều định hướng phát triển, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác như quy hoạch sử dụng đất, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái, cảnh quan; khả năng thu hút huy động vốn của nhà đầu tư. Do vậy, cần có sự phối hợp, chung tay của nhều Bộ, ngành, địa phương, người dân và DN.
Còn theo ông Đặng Hải Anh, Trưởng phòng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), để đáp ứng nhu cầu khí vẫn phải mở rộng các hoạt động tìm kiếm và thăm dò để cung cấp thêm trữ lượng và sản lượng khai thác ở các khu vực tiềm năng, sâu và xa bờ. Đồng thời phải phát triển công nghiệp khí đốt; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ hết khí thiên nhiên hóa lỏng LNG. Cùng với đó vẫn đảm bảo khả năng nhập khẩu 8 tỷ m3 LNG vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045.
Đưa ra trở ngại cho vấn đề khai thác khí xa bờ, ông Nguyễn Văn Vy, chuyên gia từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cảnh báo, hiện công nghệ cho tìm kiếm khai thác vẫn phức tạp, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, đặc biệt sự biến động của thị trường dầu khí thế giới, chịu ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố chính trị và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. “Do vậy, để phát triển thị trường khí, cần thúc đẩy sớm công tác đầu tư các dự án khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng khí, nhập khẩu khí, điện khí, tái hóa khí hóa lỏng LNG để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước”, ông Vy lưu ý.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), khí và thị trường khí luôn là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đảm bản an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, trong bối cảnh hiện nay xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine tác động lớn đến nguồn cung ứng đã cho thấy vai trò cấp bách của việc định hướng thị trường.
“Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động kinh doanh khí đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị trường khí của Việt Nam. Một mặt, đáp ứng yêu cầu triển khai nghiêm chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Mặt khác giải quyết đòi hỏi chính đáng của cộng đồng DN về việc tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch, thu hút, khai thác các nguồn lực của xã hội nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế- xã hội nói chung và hoạt động kinh doanh khí nói riêng trong thời gian tới”, ông Đông nêu rõ./.
Theo VOV.VN