Công khai, minh bạch thông tin thu thuế kinh doanh online

Nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi công dân, đặc biệt đối với những đơn vị, cá nhân có hoạt động kinh doanh phát sinh trên nền tảng internet.

 

Theo số liệu của cơ quan chức năng, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam năm 2021 có tốc độ tăng trưởng khoảng 20, đạt khoảng 13,7 tỉ USD. Dự báo năm 2022, tốc độ tăng trưởng cao hơn và có thể đạt 39 tỉ USD vào năm 2025.

Giá trị hàng hóa, dịch vụ giao dịch qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội rất lớn, tuy nhiên số đơn vị, cá nhân thực hiện nộp thuế chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, làm thất thu cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền khổng lồ và tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh.

Từ năm 2018 đến giữa tháng 7 năm nay, thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu, Tổng cục thuế đã thu được gần 5.500 tỷ đồng, trong đó, một số nhà cung cấp nước ngoài đã nộp trên 2.000 tỷ đồng…

Điều này cho thấy, Việt Nam cần kiểm soát, quản lý thu thuế từ các đơn vị, cá nhân phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử để tăng thu cho ngân sách Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng giữa các đơn vị kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử.

Vậy, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp, công cụ gì để ngăn chặn tình trạng trốn, né thuế?

Trước hết, cần phải xây dựng một khung pháp lý về thu thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử, phân chia rõ các nhóm đối tượng để có những biện pháp, công cụ quản lý thuế phù hợp. Trong đó, cần điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với thông lệ quốc tế để thực hiện giám sát, truy thu thuế đối với nhóm các tổ chức, cá nhân trong nước kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ nước ngoài.

Hiện, Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng và 3 công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3,5 triệu lượt khách truy cập các sàn.

Bởi vậy, các cơ quan thuế làm việc trực tiếp với các đơn vị là chủ sở hữu các sàn thương mại điện tử để nắm bắt số lượng, các thông tin của các đơn vị, cá nhân tham gia trên sàn và doanh thu phát sinh để tiến hành các biện pháp thu thuế.

Đối với nhóm các đơn vị, cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, thông qua quản lý mã số định danh, số căn cước công dân để giám sát hoạt động kinh doanh trên internet, từ việc xác minh các nguồn doanh thu nghi ngờ phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh online và tiến hành truy thu thuế.

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quan trọng để tránh tình trạng trốn thuế, cần đầu tư nguồn lực vào xây dựng phần mềm, công nghệ hiện đại để dò tìm tự động phát hiện các giao dịch mua bán trên internet, cũng như nâng cao năng lực của cán bộ thuế.

Việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử cũng là yếu tố tạo thuận lợi cho các cá nhân thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thu thuế.

Để đạt được sự đồng thuận của người dân đối với việc nộp thuế, các cơ quan quản lý thuế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đơn vị, cá nhân về trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế, cũng như các chế tài xử phạt đối với hành vi trốn thuế, giúp người dân thấy rõ mục đích, kế hoạch sử dụng ngân sách Nhà nước vào công tác đầu tư hạ tầng công nghệ, tạo lập môi trường kinh doanh trực tuyến an toàn, hiệu quả.

Mặt khác, việc thông báo công khai về điều kiện phải nộp thuế cũng như các kế hoạch, địa điểm, đơn vị và thời gian thu thuế là điều cần thiết, tạo sự tin tưởng cho người dân và tránh tình trạng bị các đối tượng xấu lợi dụng trục lợi./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận