Nâng cao giá trị thuỷ, hải sản của quê hương

  • 15/09/2022 14:54:16
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Từ khi tiếp quản Công ty TNHH Quý Thịnh, Phạm Văn Phong đã tìm tòi, học hỏi, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế và xây dựng thành công mô hình chế biến thuỷ, hải sản sẵn có tại địa phương thành những sản phẩm có giá trị đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động. Hiện Công ty có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3, 4 sao.

 

Tiếp quản công nghệ chế biến lạc hậu

Công ty TNHH Quý Thịnh, tổ dân phố 13, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định được thành lập từ tháng 7 năm 2003, sản xuất các sản phẩm nước mắm, mắm tôm và kết hợp với thương nhân Trung Quốc thu mua sứa của bà con ngư dân, chế biến và xuất khẩu thô sang thị trường Trung Quốc. Năm 2014, công ty bắt đầu triển khai chế biến sứa sau thu hoạch thành sản phẩm sứa biển ăn liền để phục vụ nhu cầu của thị trường tại địa phương và các tỉnh thành lân cận. Tuy nhiên, do mức độ đầu tư hạn chế nên các sản phẩm của công ty chưa theo kịp được nhu cầu thị hiếu của khách hàng, sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ được, thương hiệu của công ty yếu kém và đứng trước nguy cơ phá sản.

Tháng 7/2017, được sự động viên của gia đình, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương, sự ủng hộ của bạn bè và đồng nghiệp, Phạm Văn Phong quyết định về địa phương tiếp quản Công ty TNHH Quý Thịnh. Thời điểm đó Phong vừa ra trường được 2 năm và đang làm việc tại Hà Nội theo đúng chuyên ngành máy thực phẩm được đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đến thăm mô hình của Cty TNHH Quý ThịnhBằng nhãn quan của kỹ sư máy móc chế biến, Phong nhận thấy vùng đất Hải Hậu, Nam Định nơi mình sinh ra có nhiều thuận lợi về phát triển kinh tế biển, sản phẩm thuỷ hải sản của bà con ngư dân rất dồi dào và phong phú, nhưng công nghệ chế biến còn lạc hậu, hầu như địa phương chưa có sản phẩm chế biến có giá trị cao. Từ thực tế đó, Phong đã nhiều đêm thức trắng, lặn lội nhiều nơi để tìm hiểu nhu cầu thị trường, học hỏi kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp đi trước… và mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, dây chuyền phục vụ cho sản xuất, áp dụng kiến thức đã được học vào thực tiễn.

Phong chia sẻ: “Hải sản quê tôi nhiều đến nỗi bà con đánh bắt đem ra chợ bán không hết, không có kho bảo quản, đem phơi không được thì có khi đổ bỏ. Tôi thấy mình có khả năng áp dụng công nghệ chế biến những sản phẩm thuỷ hải sản thô của bà con ngư dân thành những sản phẩm có giá trị đem lại hiệu quả kinh tế cao cung cấp cho thị trường trong tỉnh và cả nước nên quyết tâm thực hiện”.

                Giới thiệu sản phẩm Công ty với GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường và Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nam Định.

Đến nay, Công ty TNHH Quý Thịnh, với diện tích 5.050m2, có đầy đủ công trình phục vụ sản xuất như: Khu vực bảo quản và chế biến sứa ăn liền 1.650m2; khu vực chế biến nước mắm và mắm tôm: 2.000m2, khu vực chế biến và sản xuất chả cá, chả mực … 800m2, còn lại là khu văn phòng và khuân viên cây xanh.

Khi Phong tiếp quản công ty chỉ có 4 lao động, gồm 1 quản lý và 3 nhân viên. Sau hơn 3 năm hoạt động, công ty đã có 38 công nhân làm việc thường xuyên. Trong đó có 5 cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng làm công tác quản lý và 33 công nhân trực tiếp tham gia quá trình sản xuất và kinh doanh. Do đặc thù công việc, nguồn nguyên liệu sứa biển chỉ tập trung trong 3 tháng đầu năm nên thời kỳ cao điểm thu mua và chế biến sứa, công ty phải thuê thêm 60 lao động thời vụ.

Doanh thu hàng năm của công ty đã có mức tiến bộ vượt bậc, từ 500 triệu đồng năm 2017 lên 3,5 tỷ đồng năm 2019. Dự kiến năm 2022 doanh số của công ty khoảng 14 tỷ đồng. Lương của người lao động năm 2017 là 4,6 triệu đồng, đến năm 2022 tăng lên 5,3 triệu đồng/người.

Nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường

Sản phẩm sứa ăn liền, chả cá, chả mực, hải sản của Công ty đã có mặt trong các đại lý và các cửa hàng thực phẩm sạch ở 27 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm của công ty đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm do Chi cục quản lý chất lượng, Sở Nông nghiệp cấp, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế tiếp nhận công bố, đạt chứng nhận HACCP, nhiều sản phẩm của công ty đạt OCOP 4 sao, 3 sao, góp phần tăng thêm giá trị của sản phẩm bà con đánh bắt được. Hiện tại, Công ty TNHH Quý Thịnh là một trong 33 thành viên của Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định.

Chia sẻ về 3 sản phẩm đạt OCOP là chả mực giã tay Tâm An, chả cá thu Tâm An và xúc xích Sunny, ông Đàm Văn Thưởng, PGĐ công ty cho biết, mực dùng để làm chả là loại mực mai, còn tươi sống, mới đánh từ biển lên. Mực tươi nên thịt rất thơm và dậy mùi. Còn chả cá thu được làm từ cá thu ẩu (cá thu chấm nhỏ) thịt mềm và ngọt. Cá thu này theo mùa nên để có sản phẩm tươi ngon phục vụ khách hàng quanh năm, Công ty bảo quản cá thu bằng cách thuê kho lạnh cấp nhanh với nhiệt độ âm 45 độ tại cảng sau đó chuyển về kho lạnh của Công ty với trữ lượng 100 khối, nhiệt độ âm 21 độ nên nên chất lượng cá không thay đổi.

Xúc xích được chế biến bằng thịt lợn, thịt gà sạch hữu cơ kết hợp với chút thịt cá biển. Nguyên liệu sau khi xay nhuyễn, nêm nếm đủ độ gia vị bí quyết riêng được nhồi vào vỏ lòng non heo, sản xuất trên dây truyền tiên tiến, hiện đại. Xúc xích Sunny của Quý Thịnh có một hương vị rất đặc biệt, giàu đạm và có thêm hương vị thơm ngon rất riêng từ cá biển.

Chuỗi thực phẩm an toàn từ nguyên liệu đến sản phẩm của cơ sở sản xuất được xây dựng đi lên, tạo ra một khối liên kết bài bản, thống nhất từ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm đầu ra. Quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ và kỹ càng từng công đoạn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn... Truy xuất nguồn gốc được đảm bảo và tin cậy nhất.

                     Cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Hải Hậu tham quan máy chế biến sứa    công nghệ cao.

Trải qua đại dịch Covid-19, các ngành nghề mới bước đầu phục hồi còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty TNHH Quý Thịnh vẫn duy trì và không ngừng phát triển do các sản phẩm của Công ty đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Hiện tại Công ty đang nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm mới như: Xúc xích, giò nóng, giò lụa cá, mở rộng thêm thị trường trong khu vực và các tỉnh lân cận: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh …, đặc biệt có một đại lý ở Đà Nẵng đã đưa sản phẩm của công ty sang nước bạn Lào là đất nước không có biển để quảng bá và bán các sản phẩm của công ty.

Nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm có chất lượng cao và tạo thêm công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, Công ty dự định sẽ nâng cấp nhà xưởng và đầu tư thêm dây chuyền sản xuất hiện đại của các nước tiên tiến trong khu vực để sản xuất các sản phẩm xúc xích, dăm bông, thịt hun khói… và làm thủ tục đăng ký thương hiệu cho các loại sản phẩm mà công ty đang có thế mạnh trên thị trường như: Sứa biển Phương Trang, chả cá Tâm An, chả mực giã tay Tâm An.

Định hướng của Công ty trong giai đoạn 2022 - 2025 là tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị, quy trình sản xuất và phát triển thương hiệu, sản phẩm với mục đích đưa những sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất, tiện lợi nhất đến tay người tiêu dùng trong cả nước. Nghiên cứu sản phẩm sứa biển ăn liền trộn nước sốt phù hợp với các vùng miền, xây dựng nhà máy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, năm 2020, Phạm Văn Phong là một trong 56 thanh niên nông thôn được nhận giải thưởng Lương Định Của và là một trong 10 thanh niên tiêu biểu toàn quốc được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận