Đã được đánh thức rồi lại “ngủ yên”
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là khu vực phát triển nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản. ĐBSCL có sản lượng lúa chiếm 50%, nuôi trồng thủy sản chiếm 65%, trái cây 70%, gạo xuất khẩu 95%, và cá xuất khẩu 60% của cả nước. Bên cạnh đó, vùng kinh tế trọng điểm này cung cấp nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của khu vực phía Nam và cả nước.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, vùng ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là “Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn; tiềm năng, lợi thế cần được khai thác có hiệu quả hơn.... Đồng bằng sông Cửu Long - một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chậm, chưa thịnh vượng; vùng đất mà sau nhiều năm “ngủ yên” đã được “đánh thức” vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chỉ mới “thức dậy” mà chưa vươn lên mạnh mẽ…
Còn tại Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 vừa được công bố mới đây cho thấy tốc độ tăng trưởng của ĐBSCL giảm sâu từ 7,14% trong năm 2019 xuống chỉ còn 2,42% trong năm 2020 - thấp hơn đáng kể so với bình quân 2,9% của cả nước. Đến năm 2021 lại rơi tiếp xuống -0,43%, trong khi cả nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng +2,26%. Trong năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm thì riêng ĐBSCL đã đóng góp 6 địa phương, khiến tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng đứng thứ hai từ dưới lên.
Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL nhằm tạo đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp. Gần đây nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Chính phủ cũng vừa phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Nghị quyết số 13-NQ/TW đã đề ra 6 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ, để tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của vùng và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Trong đó, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những giải pháp chỉ đạo đột phá, mới mẻ và quan trọng.
Mở rộng thị trường tiêu thụ qua thương mại điện tử
Chuyển đổi số và kinh tế số tại Việt Nam đã có sự bùng nổ, tuy nhiên việc áp dụng kinh tế số và thương mại điện tử của các tỉnh ĐBSCL trong nhiều năm qua còn hạn chế. Theo thống kê tại Hội thảo khoa học “Nâng tầm kỹ năng số và kinh tế số vùng ĐBSCL”, trong số 430.000 nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin thì nhân lực từ ĐBSCL chỉ chiếm 5% - chưa tương xứng với tiềm năng tại đây.
Chia sẻ từ trải nghiệm thực tế, ông Lê Hoàng Thảo - giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm Đại học Cần Thơ - cho hay: “Chúng ta nghe rất nhiều về chuyển đổi số, nhưng khi tôi đến gặp các doanh nghiệp (DN) thì hầu như ai cũng rất bối rối, chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu, mọi người chưa hiểu hết về công nghệ”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên:
Vùng ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế, chưa tranh thủ được độ mở cao của nền kinh tế với nhiều hiệp định thương mại tự do (cả song phương và đa phương) đã được ký kết để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp của vùng còn manh mún, chưa có quy hoạch bảo đảm, sản xuất chưa theo tín hiệu của thị trường; nhiều loại nông sản, trái cây chưa được chế biến, chủ yếu là xuất khẩu thô và tiêu thụ qua đường tiểu ngạch, chất lượng sản phẩm không ổn định, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Sản xuất công nghiệp của vùng vẫn thâm dụng đất đai, lao động với giá trị thấp; phát triển năng lượng còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế… Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành địa phương trong vùng tập trung thực hiện nhiều nội dung, chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực xúc tiến thương mại của doanh nghiệp địa phương, chú trọng khai thác hiệu quả các công cụ số, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong xúc tiến thương mại…
|
Nhằm hỗ trợ, kết nối thương mại điện tử với DN Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương thành phố Cần Thơ đã phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động thúc đẩy, kết nối, hỗ trợ các DN, hợp tác xã, làng nghề, các cơ sở sản xuất khu vực ĐBSCL quảng bá, kinh doanh sản phẩm địa phương trên môi trường trực tuyến và mở rộng thị trường tiêu thụ qua thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thông qua hoạt động này, các DN địa phương sẽ có được những giải pháp hỗ trợ để phân phối sản phẩm trên sàn cũng như giải pháp hỗ trợ tài chính số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số, phát triển công nghệ và thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông đặc sản, sản phẩm tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL.
Nhiều DN kỳ vọng, chuỗi hoạt động về thương mại điện tử này sẽ là cơ hội tốt để các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong phạm vi cả nước thông qua thương mại điện tử.