Phục hồi phát triển sản xuất, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay ưu đãi

  • 20/09/2022 10:09:40
  • Thành Trung
  • Kinh tế
  • 0

Chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, một số chính sách chưa thực sự mang lại hiệu quả...

 

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 2/9/2022, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình mới đạt 55.500 tỷ đồng, đạt 16% trong tổng gói hỗ trợ là khoảng 350.000 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân lớn nhất trong nhóm chính sách hỗ trợ thuế, chiếm 63% cơ cấu giải ngân. Gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt chưa đến 1% cơ cấu giải ngân.

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được chỉ ra, đồng thời những giải pháp được đề ra để việc hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hơn.

8 tháng năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt gần 150.000 doanh nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ. Đó là những con số phần nào thể hiện niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vào các chính sách ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế tại nước ta.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng khá cao, hơn 50.000 doanh nghiệp, với mức tăng là 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có thể một phần do hệ quả của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các doanh nghiệp không còn khả năng duy trì khả năng cạnh tranh hoặc cũng có thể do chính sự yếu kém trong nội tại quản trị của doanh nghiệp.

Phục hồi phát triển sản xuất, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay ưu đãi.Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn & Kiểm toán Deloitte Việt Nam cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp đang thiếu vốn lưu động, liên quan đến những chi trả tối thiểu, tiền trả nợ lãi vay ngân hàng cũng như những chi phí để vận hành hoạt động kinh doanh. Chi phí đầu vào của doanh nghiệp thì tăng cao, cùng với đó lợi nhuận thì giảm do đơn hàng sụt giảm”.

Về nhóm giải pháp cụ thể với doanh nghiệp một số ngành, lĩnh vực trọng tâm, bà Hà Thu Thanh đề xuất, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến sản phẩm từ nông nghiệp nên ưu tiên thực hiện những hành động thiết thực để làm chủ cuộc chơi ngay từ trên sân nhà. Đối với ngành du lịch và dịch vụ du lịch cần xác định cụ thể hơn về hành vi nhóm khách hàng trọng tâm của mình và sự cạnh tranh hiện nay để định hướng lại sản phẩm, dịch vụ bao gồm cả vấn đề tối ưu giá, kênh tiếp thị... để nhanh chóng phục hồi khi có cơ hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, có 5 khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Doanh nghiệp lớn dễ dàng tiếp cận các thông tin về chính sách hỗ trợ qua văn bản chính thức, còn doanh nghiệp nhỏ lại tiếp cận thông tin qua kênh phi chính thức. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng yêu cầu thủ tục hành chính; thời hạn thực hiện các gói hỗ trợ ngắn, chỉ 3 - 6 tháng. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào một số ngành nghề, trong khi nhiều ngành nghề đang thực sự khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời.

Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, lo ngại trách nhiệm thanh tra. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp chưa có tài sản bảo đảm; các hợp tác xã chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh đang là rào cản để được tiếp cận gói hỗ trợ.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng, để việc triển khai thực hiện Chương trình sẽ đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng GDP của năm 2022 như mục tiêu chương trình đặt ra cần tổng hợp, đánh giá kỹ các gói hỗ trợ. Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể.

“Các cơ quan triển khai chính sách nên lắng nghe ý kiến doanh nghiệp về tính khả thi, dễ tiếp cận của chính sách, kể cả khi chính sách đã được ban hành. Mặc dù có hệ thống báo cáo, nhưng cần có hệ thống giám sát, đánh giá, phản hồi và hướng dẫn kịp thời với các địa phương. Cần rà soát lại các yếu tố ảnh hưởng của doanh nghiệp với đại dịch Covid-19, đồng thời phải chỉnh sửa các tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp” - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nêu ý kiến.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm nay là thực hiện triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cho người vay vốn tại ngân hàng thương mại. Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thu thập thông tin đăng ký từ các ngân hàng thương mại để cùng với các bộ tiến hành đề xuất phân bổ ngân sách 40.000 tỷ đồng trong 2 năm, năm 2022 dự kiến phân bổ 16.000 tỷ đồng, năm 2023 dự kiến phân bổ 24.000 tỷ đồng.

Một số khó khăn đang đặt ra trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay vốn ngân hàng, trường hợp khách hàng hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nhưng có một lĩnh vực thuộc diện ưu tiên thì có được hỗ trợ hay không? Thứ hai là các hộ gia đình vay vốn ngân hàng nhưng không đăng ký kinh doanh thì cũng chưa đủ điều kiện của chương trình hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc xác định tiêu chí khách hàng phải có phương án sản xuất kinh doanh và có khả năng phục hồithì đang có sự khác biệt trong đánh giá giữa Ngân hàng và các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

“Do trước đây các gói hỗ trợ đã triển khai cũng có những khó khăn nhất định trong giải ngân và khâu quyết toán nên các ngân hàng có tâm lý e ngại. Thứ hai là tâm lý khách hàng. Dư nợ khoảng 800.000 tỷ đồng nhưng thực tế triển khai là khoảng 4.400 tỷ đồng. Nên có khoảng cách nhất định giữa khả năng được hỗ trợ và thực tế, phụ thuộc vào mong muốn của khách hàng có muốn hỗ trợ hay không. Khách hàng có một số ý kiến cho rằng thủ tục rườm rà, phức tạp nhưng đây là vốn ngân sách, điều kiện đã được thống nhất nên rất mong khách hàng cũng phải tuân thủ các điều kiện để đảm bảo hồ sơ thủ tục chặt chẽ” - ông Phạm Thanh Hà nói.

Để tiếp tục tạo điều kiện phục hồi kinh tế xã hội những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tập thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh. Tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, như các phương án giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; giảm chi phí tiền điện - một trong những chi phí đầu vào quan trọng của doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh./.

Thành Trung/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận