Siêu thị, trung tâm thương mại đang trở thành kênh mua sắm quen thuộc với người dân đô thị, những người có thu nhập khá, trước những lo ngại về ATTP. Tuy nhiên, việc lựa chọn của người tiêu dùng chủ yếu vẫn dựa vào sự tin tưởng, khi việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa khó khăn và chưa trở thành thói quen.
Do lo ngại vệ sinh, an toàn thực phẩm tại chợ, chị Phạm Thị Hà, ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã chuyển hẳn sang mua rau củ quả, thịt cá,… ở siêu thị từ nhiều năm nay, vì trông hàng ở siêu thị có vẻ “sạch sẽ” hơn. "Đi mua rau củ quả thứ nhất phải có niềm tin đã. Chứ bây giờ mất niềm tin rồi thì cũng khó để mình lấy lại lắm. Bọn chị đi chợ hằng ngày không ai để ý truy xuất nguồn gốc đâu. Thứ nhất là không có thời gian, thứ hai là hầu như người ta bỏ qua, không phải ai cũng biết đến cái đấy", chị Hà cho biết.
Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng sau những vụ việc rau sạch dởm “biến hình” vào siêu thị bị phanh phui trong thời gian qua. Bà Minh Đức, ở quận Hoàn Kiếm, vốn đã lo lắng nay càng lo hơn về chất lượng thực phẩm. Hiện bà Đức đã tạm dừng việc mua rau củ ở các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, mà chỉ tìm đến những trung tâm thương mại uy tín. "Cơ bản là nhìn bằng mắt thường, kinh nghiệm của mình. Thứ hai là mua xong mình ăn thì cũng thấy ngon, lần sau mình lại vào mua thôi. Còn những thứ họ đề trên bao bì thì cũng không tin tưởng. Người dân chưa có cách nào để khẳng định như thế là được hay chưa được", bà Đức nói.
Theo khảo sát của phóng viên VOV Giao thông, tại một số cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hay trung tâm thương mại ở Hà Nội, ngày 20/9, các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả được bày bán phong phú và đa dạng, đông khách xem và mua hàng:
"Với cá nhân em, mua hàng ở siêu thị thì khá là yên tâm về chất lượng. Mức độ sạch sẽ em khá là tin tưởng, không nghi ngờ gì nhiều đâu".
"Mua ở siêu thị thì yên tâm hơn một chút thôi, chứ không biết chắc chắn hàng đã tốt chưa. Kể cả siêu thị loại “xịn” nhất thì xảy ra vụ này vụ kia, không thể kiểm soát hết được".
Khi được hỏi về quy trình nhập hàng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo như thế nào, cách truy xuất nguồn gốc hàng hóa ra sao,… tại một số siêu thị, các nhân viên bán hàng hay nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng đều không biết và trả lời rằng: sẽ chuyển thông tin đến bộ phận kiểm tra chất lượng siêu thị rồi liên lạc lại sau.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, vụ việc rau chợ “biến hình” vào siêu thị mới đây tại TP.HCM là bài học chung, không chỉ cho siêu thị mà cả những nhà quản lý thương mại. Đó là phải quản trị thường xuyên, liên tục toàn bộ chuỗi cung ứng, từ đầu vào đến kho, sơ chế, kiểm tra, phân loại trước khi ra quầy bán lẻ, sau đó lắng nghe khách hàng qua các kênh góp ý:
"Phải xem lại quy chế về trung tâm thương mại, siêu thị mà Bộ Công thương vừa sửa đổi, thực hiện nghiêm quy chế đó là một. Thứ hai là phải giáo dục đội ngũ nhân viên, đi đôi với khen thưởng, xử lý người vi phạm. Nội bộ kiểm tra là chính, nhưng các cơ quan quản lý thị trường, y tế cũng phải giúp các đơn vị kiểm tra tốt hơn. Phải tăng cường dân chủ, tự do kiểm hàng hóa. Giám đốc siêu thị phải coi bán hàng như bán cho người thân của mình, đừng để mất niềm tin, mất niềm tin là mất tất cả", Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, siêu thị hiện mới chỉ phục vụ 15% nhu cầu hàng tươi sống của người dân, nguồn cung chủ yếu vẫn từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Do đó, tăng cường chất lượng phục vụ, vệ sinh toàn thực phẩm tại chợ là yêu cầu quan trọng với ngành công thương các địa phương, bên cạnh việc quan tâm chất lượng thực phẩm tại siêu thị./.
Minh Hiếu/VOVGT