ASEAN chung tay hồi phục và phát triển kinh tế

  • 21/09/2022 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

ASEAN đang phải đối mặt với không ít những thách thức như: Dịch bệnh Covid-19, cuộc chiến thương mại, vấn đề biến đối khí hậu, lạm phát tăng cao, ảnh hưởng bất lợi ở Ukraine… Trước thực trạng này, để phát triển, ổn định kinh tế trong khu vực, các nước ASEAN đã chung tay tìm giải pháp hồi phục và phát triển kinh tế.

 

Giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực logistics

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 (AEM-54) vừa diễn ra với sự tham gia của các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước thành viên ASEAN và Bộ trưởng Kinh tế của từng nước đối tác. Đây là Hội nghị nhằm chung tay tìm ra các giải pháp, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế khu vực. Thông qua Hội nghị, đại diện các quốc gia thành viên đã thể hiện quyết tâm cùng nhau triển khai các biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Campuchia kiêm Chủ tịch ASEAN 2022 Samdech Techo Hun Sen cho rằng bối cảnh hiện nay, ASEAN đang phải đối mặt với không ít những thách thức như: Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chiến sự tại Ukraine, cuộc chiến thương mại, vấn đề biến đối khí hậu... Những vấn đề này khiến lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất toàn cầu. Do đó, Thủ tướng Hun Sen cho rằng tất cả các thành viên ASEAN phải dành ưu tiên đảm bảo hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức, giữ vững hệ thống thương mại dựa trên các quy định về luật pháp, chủ trương toàn cầu hóa, đa dạng hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư, chống lại chủ nghĩa bảo hộ và đề cao tính thích nghi của hệ thống cung cấp khu vực và thế giới, xây dựng kinh tế kỹ thuật số, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực, và tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài dựa trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi,...

Chủ tịch AEM-54 Pan Sorasak nhấn mạnh mục đích của hội nghị lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện chương trình nghị sự xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN trong năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia với khẩu hiệu “ASEAN hành động - Cùng ứng phó các thách thức chung”. Trên tinh thần đó, Campuchia đang hướng tới hoàn thành 19 ưu tiên kinh tế trong vai trò Chủ tịch ASEAN với sự ủng hộ mạnh mẽ từ các quốc gia thành viên ASEAN với 5/19 ưu tiên đã hoàn tất, các ưu tiên còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Ông Pan Sorasak nêu rõ: “Việc hoàn thành các ưu tiên kinh tế đó sẽ giúp ASEAN tạo nền tảng vững chắc trong khu vực trong việc kết nối số, khoa học và công nghệ, thu hẹp khoảng cách phát triển và cạnh tranh trong ASEAN, thúc đẩy hội nhập bao trùm, khả năng chống chịu và cạnh tranh của ASEAN, cũng như thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ASEAN nói chung”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên:

Trong hai năm qua, Việt Nam luôn luôn nằm trong số 2 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Gạo Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới nhưng với Việt Nam, Philippines là một thị trường quan trọng và có nhiều điều kiện thuận lợi để duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác này. Xuất khẩu gạo sang Philippines những năm gần đây thường chiếm tới 30-32% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới. Song phía Việt Nam nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Philippines cũng như đối tác nhập khẩu gạo tại Philippines hiện đang gặp khó khăn do thủ tục nhập khẩu, và cơ quan chức năng của Philippines trì hoãn việc cấp Giấy phép kiểm dịch thông quan nhập khẩu (SPS-IC). Phía Việt Nam cho rằng những biện pháp và động thái của phía Philippines không phù hợp với các quy định của WTO và các hiệp định mà hai Bên là thành viên. Đề nghị Bộ trưởng Alfredo E. Pascual có tiếng nói với Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Philippines để sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo của hai Bên.

PV lược, ghi theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi

Theo Chủ tịch AEM-54 Pan Sorasak, liên quan vấn đề giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực logistics và khôi phục sau đại dịch Covid-19, Hội nghị lần này tiếp tục hoàn thiện các sáng kiến liên quan cơ chế thuận lợi hóa thương mại trong khu vực như một cửa ASEAN, hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN và các sáng kiến khác, nhằm đảm bảo dòng chảy lưu thông hàng hóa trong khu vực. Đặc biệt, việc kéo dài hiệu lực và mở rộng danh mục hàng hóa thiết yếu thuộc Bản ghi nhớ về thực hiện các biện pháp phi thuế quan (NTM) là kết quả đáng ghi nhận, cho thấy mọi chính sách đều có thể ứng phó linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới do tác động của đại dịch Covid-19; đồng thời thể hiện tinh thần thống nhất và chủ động ứng phó của ASEAN, nhằm đảm bảo cho thị trường và hoạt động thương mại tiếp tục rộng mở.

Xây dựng nền kinh tế số, công nghệ xanh

Dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak, đại diện các nước thành viên đã chia sẻ thông tin và cập nhật tình hình triển khai các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Trong đó, có việc triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN, Lộ trình Bandar Seri Bagawan về chuyển đổi số trong ASEAN để đẩy nhanh phục hồi kinh tế ASEAN và hội nhập kinh tế số.

Ngài Jose Lucas Da Silva, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Du lịch Đông Ti-mo:

Đông Ti-mo đánh giá cao tiềm lực thương mại của Việt Nam và những cơ hội tăng cường hợp tác thương mại với Việt Nam. Đông Ti-mo mong muốn thúc đẩy hợp tác kết nối với Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải, xuất nhập khẩu, cảng biển để hỗ trợ cho hoạt động trao đổi thương mại. Đông Ti-mo cũng mong muốn phía Việt Nam hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm xây dựng cơ chế một cửa quốc gia và kinh nghiệm quản lý trong các lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư. Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, kim ngạch hai chiều năm 2021 đạt 33,6 triệu USD, chỉ bằng 0,005% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của Việt Nam với thế giới. Các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn doanh nghiệp còn hạn chế. Hai Bên thiếu thông tin về cơ chế chính sách quản lý, nhu cầu xuất nhập khẩu của mỗi nước.

PV lược, ghi theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi

Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường bảo đảm chuỗi cung ứng và đề xuất sáng kiến thành lập khu dự trữ khu vực; kêu gọi các nước thành viên ASEAN xây dựng nền kinh tế số, công nghệ xanh để mang lại lợi ích trực tiếp và thiết thực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME), giới trẻ và người dân.

Bộ trưởng Azmin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực cho các MSME, cũng như các sáng kiến sẽ mang lại lợi ích thực sự và trực tiếp cho người dân, đặc biệt là giới trẻ, bao gồm tạo việc làm và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp và ngành công nghiệp địa phương.

Ông Azmin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường bảo đảm chuỗi cung ứng và đề xuất sáng kiến thành lập khu dự trữ khu vực, theo đó mỗi quốc gia có một kho dự trữ các sản phẩm quan trọng.

Ông Azmin cho rằng nền kinh tế số là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, mở rộng và thúc đẩy tiến bộ kinh tế với các tác động ở cấp số nhân như tạo ra việc làm và giá trị gia tăng to lớn cho các MSME. Tuy nhiên, để các MSME để tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị kỹ thuật số, họ phải được trang bị những kỹ năng số hóa cần thiết nhằm chuẩn bị cho họ đóng góp vào nền kinh tế trong tương lai.

Bên lề Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã gặp và hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Du lịch Đông Ti-mo, Bộ trưởng Công Thương Lào, Bộ trưởng Bộ Công Thương Philippines.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận