Bản lĩnh vượt khó
Về Xuân Trường, Nam Định hỏi HTX thuỷ sản Xuân Hoà không ai là không biết. Không chỉ bởi đây là cơ sở cung cấp thuỷ sản uy tín chất lượng mà còn bởi vị Chủ tịch HĐQT của HTX - ông Lê Văn Bản, 69 tuổi, là một trong những giáo dân gương mẫu, tấm gương nông dân tiêu biểu, bản lĩnh vượt qua mọi rủi ro, thách thức, quyết tâm gây dựng nên HTX như ngày hôm nay.
Dù đã hẹn trước nhưng do bận công việc nên khi chúng tôi đến thăm trang trại, ông Bản vắng nhà. Vợ ông đang tất bật bước ra cổng gặp chúng tôi nhanh nhảu: “Các cô chú đợi tí, ông đang về”, rồi bà cũng đi đâu đó. Người nông dân chân chất là vậy. Họ chỉ biết cần cù, chăm chỉ làm, không thích nói hay về mình. Gặp ông, nước da ông rám nắng khoẻ khoắn, gương mặt đôn hậu. Ông không hồ hởi nhưng cởi mở và chân thành.
Ông ít kể về mình. Chúng tôi biết về ông qua lời kể của ông Nguyễn Văn Kết, Phó chủ tịch xã Xuân Hoà trong lúc ngồi đợi ông trước đó. Ông Bản sinh ra trong vùng công giáo, từng có 9 năm tham gia quân ngũ. Con đường làm kinh tế của ông trải qua không ít sóng gió. Trong đó phải kể đến dấu mốc năm 2002, sẵn niềm đam mê nuôi trồng thuỷ sản, khi tỉnh Nam Định có chủ trương về việc chuyển đổi đất nông nghiệp vùng trũng thấp, ngập mặn kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, ông Bản quyết định nghỉ công việc đang làm trong ngành vận tải. Ông bán 100 cây vàng được 480 triệu đồng và 3 con tàu vận tải đang kinh doanh được 150 triệu đồng, thuê hơn 12ha đất khu vực đồng bãi ven sông Sò, xã Xuân Hòa, đào 24 ao, mua trang thiết bị máy móc… thành lập Tổ dịch vụ quản lý nuôi trồng thủy sản khu vực đồng bãi ven sông Sò.
Năm 2005, ông thả lứa tôm sú đầu tiên. Trang trại ngày ấy của ông Bản được đầu tư bài bản, quy mô, nên khi mới triển khai được các cấp, các ngành của huyện đến tham quan, học tập để triển khai nhân rộng. Nhưng hiệu quả sau đó lại không như mong đợi. Lứa tôm đầu tiên bị chết hết. Thế là ông trắng tay. Nhà cũng bị ngân hàng kê biên, niêm phong. Cả gia đình gồm hai vợ chồng và 6 người con phải ra lán trông tôm ở.
Từng có những lúc như thế, nhưng khi hỏi về những khó khăn đã trải qua, ông chỉ cười: “Tôi làm nhiều việc, thử nuôi nhiều loại khác ngoài tôm rồi cũng mang lại kinh tế”. Nụ cười ấy đủ thấy những thăng trầm của cuộc sống dù có lớn mấy cũng không quật ngã được ông.
Cần được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn lưu động
Ông kể: “Tôi may mắn nhận được nhiều sự hỗ trợ”. Thấy ông có quyết tâm, các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh Nam Định như Trung tâm giống thuỷ sản Nam Định đã hỗ trợ ông về kỹ thuật, cải tiến cách nuôi, giảm mật độ tôm và hướng dẫn thau rửa toàn bộ 24 ao nuôi tôm, đồng thời bán chịu cho 50.000 con tôm sú giống; phòng Nông nghiệp huyện, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, Trung tâm khuyến nông, Liên minh HTX tỉnh… tổ chức các lớp giảng dạy, hướng dẫn trực tiếp các kỹ thuật mới, và bạn bè đồng ý bán chịu giống cá vược…Nhờ đó mà khó khăn cũng dần qua.
Tháng 12/2014, nhận thấy việc sản xuất manh mún nhỏ lẻ, kém hiệu quả, ông đã cùng những hộ xung quanh đồng thuận, nhất trí thành lập HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa. Lúc đầu có 18 thành viên, hiện tại là 25 thành viên. Với tinh thần học không bao giờ là đủ, ông Bản cùng vài người khác trong HTX đã đi rất nhiều nơi, thăm nhiều mô hình, tìm đến những nơi giảng dạy như Học viện Nông nghiệp… tham khảo học hỏi. HTX từ đó càng dày thêm kinh nghiệm và đạt được thành công. Hiện HTX có quy mô 25ha, nuôi các loại cá chủ yếu là trắm đen, trắm cỏ, lăng, đối mục và thả xen canh tôm thẻ chân trắng, cho lãi cao, trung bình 180 triệu đồng/năm/ha.
HTX quản lý chặt chẽ từ con giống, thức ăn, nguồn nước vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh tại vùng trồng. Nhờ cung cấp được sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng mà đầu ra của sản phẩm được đảm bảo, ổn định, không bị tình trạng tư thương ép giá. HTX đang triển khai thả nuôi 100% theo hướng VietGAP. Được biết, nguồn thức ăn ở đây được sản xuất từ 9 thành phần như ngô, khô đậu, cám gạo, bột cá, tỏi, mỡ lợn, bột tôm, bột thịt, enzim. Hiện HTX tự sản xuất được 30%. Trong thời gian tới, HTX phấn đấu tự sản xuất được 100%.
Ngoài ra, HTX còn được các đơn vị chức năng như Liên minh HTX tỉnh Nam Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ khoa học kỹ thuật, mẫu nước kiểm tra thường xuyên nên đảm bảo an toàn trong nuôi trồng thủy sản… Cuối năm 2020, UBND tỉnh Nam Định đầu tư xây dựng đường bê tông rộng hơn 5m, dài gần 1km giúp phương tiện vận tải vào cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và vận chuyển các sản phẩm cá, tôm của HTX đến vụ thu hoạch ra ngoài thị trường được thuận tiện.
Nhờ nguồn vốn từ Liên minh HTX Việt Nam, HTX đã đầu tư xưởng cấp đông, khu sơ chế đóng gói, hút chân không. HTX đã thử nghiệm hút chân không một số sản phẩm và gửi bán được phản hồi tốt. Tuy nhiên, 2 năm dịch Covid-19 bùng phát nên không duy trì được. Trong thời gian tới, HTX sẽ triển khai mạnh hơn vào các sản phẩm cấp đông này. Để làm được điều đó cần có vốn.
Ông Bản kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn Liên minh HTX tạo điều kiện để chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn lưu động, chứ không phải là vốn xây dựng cơ bản như hiện nay. Và tiền vay được chuyển thẳng vào tài khoản của HTX để chúng tôi chủ động chi tiêu, chọn đối tác cung cấp thức ăn…”.
Với tiềm năng và sản phẩm chất lượng, huyện Xuân Trường đang từng bước đưa các sản phẩm tại HTX thuỷ sản Xuân Hoà trở thành sản phẩm OCOP.