Không bình đẳng với các doanh nghiệp bán lẻ
Tại Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa tổ chức, đại diện nhiều DN xăng dầu đã nêu lên nghịch lý DN càng bán càng lỗ, thu không đủ bù chi.
TS.Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế:
Cần thiết kế lại thị trường xăng dầu làm sao đảm bảo tính cạnh tranh của các DN đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi mà có biến động từ phía DN đầu mối. Không để tình trạng các thương nhân gắn bó với nhau quá chặt, một vài DN đầu mối dừng lại thì lập tức thị trường xăng dầu gặp khó. Đặc biệt là thị trường thiết lập mới này phải được đặt trên nền tảng là chúng ta đã tự chủ sản xuất được 70 - 75% lượng xăng dầu trong nước. Bây giờ chúng ta đang đóng vai của người sản xuất và tiêu thụ, chứ không phải đóng vai của người nhập khẩu và tiêu thụ nữa như trước đây. Và bản thân các DN đầu mối chuyên nhập khẩu thuần tuý, thì nay họ chính là đối tác của các nhà sản xuất xăng dầu ở trong nước.
|
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải (Hà Nội) cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu từ các DN đầu mối cho các DN bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm chiết khấu chỉ 0 đồng, có lúc 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn. “Với chiết khấu như trên thương nhân như chúng tôi càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa.Về chi phí tối thiếu cho 1 lít xăng dầu từ cảng đầu nguồn cho đến khâu bán lẻ, công ty đang thực chi như sau: Từ kho đầu nguồn về cửa hàng, tính bình quân cửa hàng gần cũng như cửa hàng xa khoảng 250km. Với giá thành vận tải khoảng 150 đồng/lít thực tế/km có hàng tương ứng khoảng: 375 đồng/lít thực tế”, ông Hạnh cho hay.
Tương tự bà Nguyễn Thị Sinh, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho hay, DN nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang chiết khấu bằng 0 đồng/lít, có thời điểm cao hơn là 20 đồng/lít, 70 đồng/lít. Trong khi, chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho Đức Giang đến các đại lý khoảng 700 đồng/lít. “DN bán lẻ xăng không yêu cầu có lãi nhưng cơ quan quản lý phải làm sao để đủ chi phí trả lương cho người lao động”, bà Sinh nói.
Còn bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) chia sẻ tại Hội nghị, việc áp dụng mức chiết khấu bằng 0 là không bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các DN bán lẻ ở cuối chuỗi, không có quyền đưa ra định mức chiết khấu nên chịu thiệt hại lớn nhất. Đề nghị các DN đầu mối, thương nhân phân phối, chia sẻ chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức cho DN bán lẻ.
Chưa rõ trách nhiệm
Lý giải về tình trạng này, chuyên gia kinh tế - TS.Vũ Đình Ánh khẳng định, các DN bán lẻ kêu ca về tỷ lệ chiết khấu bởi mối quan hệ ràng buộc quá chặt giữa DN đầu mối với cây xăng bán lẻ cuối cùng. Khi chiết khấu quá thấp, DN bán lẻ không thể chuyển từ DN đầu mối này sang DN đầu mối khác. Sự phụ thuộc này gần như một dạng quan hệ “mẹ con” khiến cho thị trường không có sự cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ với nhau. Việc không tách bạch mối quan hệ giữa DN bán lẻ và đầu mối dẫn tới tình trạng DN đầu mối muốn làm gì thì làm. Nói không chiết khấu nhưng có thể vẫn hạch toán với nhau theo kiểu nào đó để hai bên cùng có lợi. Vì cây xăng dầu bán lẻ như DN con trong tập đoàn và DN đầu mối như là DN mẹ. Mô hình hiện nay của DN xăng dầu đầu mối với hệ thống phân phối cho đến cây xăng bán lẻ cuối cùng cũng hao hao giống câu chuyện chuyển giá của các tập đoàn quốc tế. Bộ Công Thương- Tài chính cũng nên làm rõ hơn câu chuyện chiết khấu giữa các DN xăng dầu với nhau, đi sâu vào mối quan hệ của họ dựa trên các hợp đồng thương mại thì mới rõ ai vi phạm.
Ngoài ra, hệ thống cung cấp do một vài DN đầu mối lớn chiếm thị phần chi phối quyết định, thống lĩnh thị trường nên không có sự cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới khi Bộ Công Thương phát hiện sai phạm tại một số DN đầu mối nhưng lại phải tạm hoãn rút giấy phép vì sẽ thiếu nguồn, dừng bán. Điều này cho thấy Bộ Công Thương cần phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước chiếm đa phần. “Tôi cho rằng, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý cả hệ thống sản xuất, lẫn giấy phép xuất nhập khẩu, cũng như quản lý kinh doanh của DN đầu mối đến tận cây xăng cuối cùng thì hoàn toàn có quyền thiết lập lại thị trường xăng dầu. Quyền quản lý, điều hành xăng dầu là trách nhiệm của Bộ Công Thương, tại sao lại để cho DN “dọa” và chịu thất bại trong quản lý bằng cách tạm hoãn rút giấy phép dù trước đó Thanh tra đã kết luận sai phạm”, TS.Vũ Đình Ánh nói.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú:
Phải nói cho khách quan, vừa rồi giá xăng dầu lên xuống thất thường và điều chỉnh không đúng ngày nên không ăn nhập với giá thế giới. Việc sử dụng quỹ bình ổn cũng không đạt hiệu quả cao dẫn đến DN bán lẻ bị chiết khấu thấp, nghỉ bán. Với thông tin này thì bộ Công Thương phải đi kiểm tra cụ thể và công bố công khai cũng như tìm hướng khắc phục. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể từ bộ này. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính cần nghiên cứu lại chi phí sao cho hợp lý và quy định sao cho không cứng nhắc, theo thời gian cụ thể. Chính sách phải hướng về doanh nghiệp, hài hòa giữa lợi ích của DN và người tiêu dùng, giúp DN có lợi nhuận hợp lý.
|
TS.Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Hiện chỉ có DN bán lẻ kêu. Các DN bán lẻ nhận làm đại lý cho các DN bán buôn và họ hưởng lợi nhuận từ mức chiết khấu mà nhà bán buôn giao cho họ. Mức chiết khấu này là do các đơn vị đầu mối quyết định trên cơ sở thương lượng và đồng ý của hệ thống bán lẻ nên có lúc mức chiết khấu rất cao tới trên 1100 đồng/lít, thậm chí là cao hơn. Thế nhưng trong bối cảnh Nhà nước đang kiểm soát giá chặt chẽ cũng như đảm bảo cung ứng nhằm ổn định kinh tế thì mức chiết khấu này có thể giảm xuống, thậm chí giảm xuống 0 đồng chuyện đó cũng là bình thường”.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng thẳng thắn chỉ ra, liên bộ Công Thương- Tài chính phải xem lại cơ cấu chiết khấu bán lẻ. “Bộ Công Thương được Chính phủ giao điều hành xăng dầu mà để xảy ra tình trạng này, theo tôi là có vấn đề trong việc điều hành. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu. Để xăng dầu bất ổn cho thấy công tác điều hành xăng dầu rất lúng túng bị động. Quản lý nhà nước mà không dứt khoát sẽ dẫn đến bị DN thao túng như vụ kiểm tra ra sai phạm của 5 DN đầu mối nhưng lại không xử lý. Ở đây ta phải nói rõ, Bộ Công thương chịu trách nhiện quản lý, vận hành hệ thống xăng dầu. Bộ Tài chính quản lý về giá, chi phí, chiết khấu nhưng cả 2 bộ này đều lúng túng bị động”.
TS.Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế:
Các DN bán lẻ cần phải hiểu trách nhiệm của mình trong hoạt động kinh doanh phân phối bán lẻ ngành xăng dầu. Xăng đầu là mặt hàng thiết yếu, nó rất đặc thù và vì mục tiêu chính trị để ổn định nền kinh tế nên giá xăng dầu cần bình ổn. Vì thế không có chuyện lúc nào cũng lãi được. Ngay cả các DN kinh doanh các mặt hàng khác, trong giai đoạn khó khăn họ thậm chí còn phá sản thì mình mất chiết khấu về 0 đồng trong một thời điểm ngắn hạn thì cũng là lẽ bình thường. Nhưng tốt nhất là các DN đầu mối phải giải thích cũng như là có kế hoạch để đảm bảo cho các DN bán lẻ không chỉ đồng thuận mà họ cảm thấy an tâm trong việc làm đại lý cho mình.
|