Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong những cách thức đáng chú ý của hoạt động “tiêu dùng số” nói chung.
Thời gian qua, đặc biệt từ giai đoạn giãn cách xã hội do Covid-19, tiêu dùng số được đẩy mạnh hơn, nhưng chủ yếu còn tập trung ở các thành phố lớn. Làm thế nào để thúc đẩy tiêu dùng số, góp phần “số hoá” toàn nền kinh tế nhanh hơn? Một bài toán không hề đơn giản – không chỉ trông đợi vào cơ quan chức năng.
Hơn 1 năm trước, vào giai đoạn đỉnh dịch – giãn cách xã hội kéo dài, nông dân Đỗ Thị Vân ở thôn Đoàn kết, xã Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang làm xôn xao cả một vùng quê khi phối hợp hiệu quả với nhân viên kỹ thuật của sàn giao dịch thương mại điện tử Sen-đỏ, livestream trong vòng 45 phút, hỗ trợ bà con nông dân hợp tác xã Phì Điền tiêu thụ được tới 8 tấn vải thiều. Đến nay, chị đã mạnh dạn hơn với cách thức mua-bán trực tuyến này. Chị cho biết, có lúc cần đến các Sàn chính thống, có khi tự bán qua mạng xã hội. Với chị, việc sử dụng chiếc điện thoại thông minh để giao dịch online đã không còn là lạ.
“Tầm này năm ngoái tôi rất vui, tôi livestream đóng góp phần nhỏ bé để tiêu thụ đầu ra cho người dân mình. Tôi kết hợp với một nhóm cháu làm clip để bán vải thiều trên Sendo. Mọi người bảo sao bán được nhiều thế, bán giỏi thế, dịch thế, bán hộ tôi với. Giờ không ngại gì cả, livestream bán hàng cho mình, cho bà con” - chị Đỗ Thị Vân chia sẻ.
Về phía người mua, ông Nguyễn Lưu Chương ở quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng: “Mua sắm online tiện lợi vì xem được sản phẩm luôn, chuyển đến tận nơi”.
Đó chỉ là ví dụ gần gũi về tính hữu dụng của thương mại điện tử - một trong những cách thức nổi bật của hoạt động “tiêu dùng số”. Trên thực tế, tiêu dùng số có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn, ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam dẫn chứng: “Ví dụ đơn giản như trong những năm gần đây, sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số với các phân ngành như trò chơi điện tử, các dịch vụ về giải trí số, dịch vụ âm nhạc trực tuyến, dịch vụ hình ảnh, các lĩnh vực của dịch vụ mạng xã hội, xuất bản số phát triển rất mạnh mẽ và đóng góp tích cực không chỉ cho nền kinh tế số Việt Nam mà cho nền kinh tế Việt Nam nói chung”.
Người Việt Nam đang sử dụng internet rất nhiều – với gần 69 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số, mỗi ngày trung bình mỗi người truy cập vài giờ đồng hồ, thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, trong đó, tiêu dùng số đang dần phổ biến. Đó là thực tế đáng mừng cho nền kinh tế số Việt Nam tương lai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có những công đoạn có thể số hoá hoàn toàn và rất tiện lợi là thanh toán số, lại chưa được sử dụng phổ biến rộng rãi.
Chưa kể, các hoạt động tiêu dùng số đều đang tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, mới chỉ rải rác lan toả đến khu vực trung tâm các địa phương khác, vì nhiều lí do như: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin - internet chưa đồng bộ, logistics chưa thuận lợi vì chi phí cao, khả năng tiếp cận các hoạt động số của người dân còn thấp; niềm tin của người tiêu dùng cũng đã, đang bị lung lay bởi tồn tại nhiều hành vi mua-bán còn thiếu minh bạch, với các kẽ hở có thể khiến gia tăng hoạt động vi phạm pháp luật…
Bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng chính sách, Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương khẳng định. đây là những nguyên nhân gây lãng phí rất lớn, bởi bản chất các hoạt động số hoá có thể hỗ trợ được rất nhiều cho đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt là hỗ trợ xúc tiến phát triển kinh tế đặc sản vùng miền, góp phần phát triển kinh tế nước nhà.
“Cần thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương để bắt nhịp được tốc độ phát triển chung. Đây là kế hoạch Trung ương đang mong muốn -để kết nối được, đẩy mạnh sản phẩm dịch vụ là thế mạnh địa phương. Một điểm yếu khác nữa có thể vẫn là câu chuyện dài, đó là hạ tầng pháp lý, làm sao để xây dựng thị trường lành mạnh mà vẫn đảm bảo tính cạnh tranh và phát triển bền vững giữa các doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng ...
Ngoài ra, chúng tôi vẫn rất quan tâm làm sao đảm bảo doanh nghiệp có thể có những thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp” - bà Lê Thị Hà nói.
Cơ quan chức năng đang có nhiều bài toán phải nỗ lực giải quyết để hoạt động tiêu dùng số nói chung được thuận lợi hơn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và cộng đồng tham gia an toàn-hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển chung, ví dụ trước mắt như: thiết lập những tổ - đội công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ người dân tiêu dùng số trong Tháng tiêu dùng số, hướng tới ngày chuyển đổi số quốc gia - 10/10 (theo Quyết định số 505 của Thủ tướng Chính phủ)...,hay lâu dài là phối kết hợp đào tạo nhân lực thương mại điện tử và kinh tế số ở nhiều cấp bậc, cùng nghiên cứu sửa đổi các vấn đề pháp lý liên quan...
Ở chiều ngược lại, rất cần sự góp sức của người dân-người tiêu dùng - đối tượng trung tâm của Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia: mạnh dạn tìm hiểu và tham gia giao dịch-tiêu dùng online, tiến tới thành thạo tham gia các hoạt động khác thuộc cấu phần xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số Việt Nam./.
Thu Trang/VOV1