Sau nhiều năm nỗ lực tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, chị Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phú Long ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định đã thành công trong nuôi trồng, nhân giống, chế biến đông trùng hạ thảo theo hướng hữu cơ, cho thu nhập cao. Nhờ đó, sản phẩm đông trùng hạ thảo mang thương hiệu Phú Long của chị đã được công nhận OCOP 3 sao.
Quyết tâm theo đuổi đam mê
Chị Bùi Thị Phượng là chủ cơ sở sản xuất nước mắm Phú Long lâu đời và nổi tiếng tại Nam Định. Vậy cơ duyên nào khiến chị Phượng dấn thân sang lĩnh vực hoàn toàn mới, thử sức mình với loại dược liệu quý và “khó tính” bậc nhất - đông trùng hạ thảo?
Trong chuyến đi chơi cùng một người bạn ở Đà Lạt, tình cờ chị được tiếp xúc với một chuyên gia nghiên cứu và nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Bố chị bị bệnh mất ngủ nhiều năm, vị chuyên gia tặng chị sản phẩm đông trùng hạ thảo. Thật bất ngờ bố chị dùng có hiệu quả. Thế là đầu năm 2015, chị khăn gói vào Đà Lạt, thuê đất dựng xưởng, vừa học vừa ứng dụng trồng thử nghiệm với khát khao xây dựng mô hình trồng loại dược liệu này.
Chị tâm sự: “Trước kia sản xuất nước mắm, chúng tôi luôn luôn hướng tới sức khoẻ của người tiêu dùng. Khi được dùng đông trùng hạ thảo, tôi cảm nhận được sức khoẻ tốt nên tôi quyết định chuyển hướng sản xuất thêm sản phẩm đông trùng hạ thảo này”.
Chân ướt, chân ráo làm nghề nên chị đã trải qua không ít lần thất bại. Có lần do chọn thuê đất trồng là đồi thấp, độ ẩm cao nên đông trùng hạ thảo bị nhiễm nhiều nấm mốc. Có lần thì chọn nơi thuê trồng cao quá, thời tiết nắng nhiều, nấm lại bị sốc nhiệt. Nhưng với đam mê và quyết tâm không bỏ cuộc, sau hai năm, chị đã học được công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo thuận tự nhiên. Sản phẩm của chị cho dưỡng chất tốt và đã có thể tiêu thụ trên thị trường.
Vì không muốn tạo lập cơ nghiệp nơi đất khách, chị Phượng quyết định trở về quê để tiếp tục theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo rất khó nuôi trồng, vì chúng thường sống trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm với độ cao trung bình hơn 4.000m so với mặt nước biển, đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh và môi trường sống phù hợp mới phát triển được. Do đó, thời gian đầu, đông trùng hạ thảo chị cứ trồng là chết bởi khí hậu tại vùng biển quê chị không giống với khí hậu Đà Lạt. Không nản chí, một lần nữa chị lại dồn hết tâm sức để chinh phục loại dược liệu này trên chính quê hương mình.
Chị tâm sự: “Tôi đến với đông trùng hạ thảo như một cái duyên. Sản phẩm này mang đến lợi ích cho sức khoẻ nên tôi muốn tự tay trồng được nó, để gia đình mình có thể được sử dụng sản phẩm thực chất. Sau tôi càng làm càng say, và quyết định mở rộng mô hình sản xuất sản phẩm chất lượng phục vụ nhiều người. Tôi xác định một mất một còn, đằng nào cũng mất, mất thêm tí nữa cũng không sao”.
Xây dựng quy trình an toàn thực phẩm
Chị Phượng quyết định đầu tư xây dựng khu nuôi trồng chế biến khép kín, gồm phòng diệt khuẩn, phòng nuôi, máy hấp, tủ cấy cùng nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại để sản xuất đông trùng hạ thảo theo hướng hữu cơ. Chị lại bắt đầu hành trình tham khảo, học hỏi, rồi thử nghiệm. Với kiến thức đã có trước đây, cùng với sự hướng dẫn của giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, và đặc biệt là vừa làm vừa tự rút ra kinh nghiệm, vừa sáng tạo, sau gần 3 năm mô hình của chị mới hoàn thiện, sản phẩm đảm bảo dưỡng chất.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi trồng, chị Phượng cho biết, để có được sản phẩm tốt, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo môi trường tuyệt đối an toàn; kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm đúng kỹ thuật cùng các thông số của nguyên liệu đầu vào, áp dụng theo quy trình của Trường Đại học Cần Thơ sản xuất chuyển giao công nghệ, nhưng trồng theo hướng hữu cơ. Nguyên liệu đầu vào chủ yếu gồm gạo nếp huyết rồng, nước cốt thịt bò, nước cốt dừa, bột nhộng tằm, nước giá đỗ, nước khoai tây và các vitamin tổng hợp.
Nhấn mạnh về yếu tố môi trường không những trong phòng nuôi mà ngoài phòng nuôi không được dùng chất hoá học, chị Phượng kể, có lần chị đi công việc, chồng chị ở nhà phun thuốc diệt muỗi, chỉ phun xung quanh ngoài phòng nuôi trồng, thế nhưng mẻ nấm đang nuôi, gần 5.000 hũ hỏng hết.
Nhờ sự tỉ mỉ, kiểm soát chặt chẽ trong quy trình sản xuất mà các sản phẩm đông trùng hạ thảo của Doanh nghiệp tư nhân Phú Long được nhiều người tin dùng. Doanh nghiệp đã nghiên cứu ra nhiều dòng sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo như: đông trùng hạ thảo tươi, khô, rượu đông trùng hạ thảo, mật ong đông trùng hạ thảo… Năm 2020 sản phẩm rượu ngâm đông trùng hạ thảo của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận xếp hạng sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Đánh giá về hiệu ứng chương trình OCOP, chị Phượng cho biết: “Chương trình OCOP đã góp phần khuyến khích, động viên rất lớn trong quá trình sản xuất. Từ khi đạt các chỉ tiêu OCOP của tỉnh, thương hiệu của chúng tôi được khách hàng tin tưởng và sử dụng”.
Hiện các sản phẩm của Phú Long đã phân phối tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Doanh nghiệp luôn luôn xác định xây dựng nền tảng ban đầu vững chắc, đi từng bước ổn định, chú trọng về chất lượng và tập trung xây dựng quy trình an toàn thực phẩm.