Liên Bộ Công Thương – Tài chính: Chậm, lúng túng trong điều hành xăng dầu

  • 13/10/2022 12:16:55
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Cả nước xuất hiện nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã có những chính sách điều hành giá nhằm tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh xăng dầu. Song các chuyên gia cho rằng, liên bộ Công Thương – Tài chính còn chậm, lúng túng trong điều hành.

 

Xăng dầu đóng cửa, hiện tượng không phổ biến?

Trong thông báo phát đi tối ngày 10/10, Bộ Công Thương cho biết, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… những ngày gần đây là không phổ biến khi chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Cụ thể tại Tp.Hồ Chí Minh, một vài ngày qua, trên địa bàn Thành phố có tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, một số cửa hàng xăng dầu hết hàng tạm thời. Đến 17h chiều ngày 10/10/2022, theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn thành phố có 03/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%), có 121/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng (chiếm 20%). Đồng thời, có một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung và đã được Bộ Công Thương chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết khó khăn. Tỉnh Bình Phước đến ngày 10/10/2022, địa bàn tỉnh có 27/415 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (hầu hết ở địa bàn vùng sâu, vùng xa) dừng hoạt động (chiếm 6,5%), 23 cửa hàng hết xăng còn dầu, 02 cửa hàng hết dầu còn xăng (tương ứng chiếm 5% và 0,48%). Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Trên địa bàn tỉnh An Giang có 30/559 vẫn mở cửa bán hàng nhưng không có xăng để bán (chiếm 5%).

Chiều 12/10, tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2020, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, từ cuối năm 2021 - 2022, tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung năng lượng và mặt hàng xăng dầu. Quý 2/2022 vừa qua, do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trục trặc, giảm công suất xuống 50-55%, thậm chí có thời gian gián đoạn và không còn sản xuất nữa, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 242 yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối phải tăng nhập khẩu để bù cho nguồn thiếu hụt trong nước. Nhưng thời điểm đó, doanh nghiệp mua xăng dầu với giá rất cao, sau đó giá liên tục giảm dẫn đến thua lỗ, khiến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí, kể cả chiết khấu cho đại lý trong nước.

Còn ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, có hiện tượng 1 số doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa và tạm ngừng kinh doanh, tập trung ở các địa phương như An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk... Nguyên nhân là từ đầu năm 2022 đến nay thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, trong quý II, do lo ngại nguồn cung thiếu hụt từ Nghi Sơn, doanh nghiệp đầu mối đẩy mạnh nhập khẩu giữa bối cảnh giá cả thế giới tăng cao, từ đó dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: 

Trong giai đoạn Quý II, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu (do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước), đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Sang Quý III (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10), giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm, theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm liên tục. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng. Thứ hai, do thua lỗ nên nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.

Tiếp tục kiến nghị giảm các loại thuế

Trong công văn gửi Bộ Công Thương ngày 7/10 về kiến nghị liên quan đến chi phí định mức xăng dầu, Bộ Tài chính cho hay: “Bộ Công Thương cho rằng việc chưa điều chỉnh mức premium và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để đảm bảo bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, đảm bảo cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường là chưa có cơ sở và chưa đúng với diễn biến thực tế thị trường hiện nay. Đề nghị Bộ Công Thương đánh giá và làm rõ nguyên nhân khó khăn về nguồn hàng, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu và hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp, tiết kiệm chi phí và chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống”, Phó cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài Chính, Nguyễn Văn Truyền nói.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Trần Duy Đông cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian qua để đảm bảo tính đúng, tính đủ giá cơ sở để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Bộ cũng sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc đảm bảo cung ứng xăng dầu, bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là trách nhiệm chính của liên bộ Công Thương - Tài chính. Nhưng đến ngày 10/10, liên bộ mới thống nhất bổ sung thêm chi phí vào giá cơ sở xăng dầu trong kỳ điều hành là động thái khá chậm so với diễn biến thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương, do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.

“Liên tiếp bốn lần giảm giá vừa qua liên bộ đã không bổ sung các chi phí này, làm lỡ mất “thời điểm vàng” trong điều hành giá, tận dụng cơ hội khi giá đang giảm. Việc bổ sung thêm chi phí vào công thức tính giá ngày 11/10 trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng mạnh như hiện nay sẽ khiến giá xăng dầu phải chịu thêm hai nhịp tăng, đẩy mặt bằng giá lên cao sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Chính sách điều hành phải hướng về doanh nghiệp, hài hòa giữa lợi ích của DN và người tiêu dùng. Để xăng dầu bất ổn cho thấy công tác điều hành xăng dầu rất lúng túng, bị động”, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho hay.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận