Bài học thực tiễn từ Sơn La Khi cán bộ 'xắn tay' đưa Nghị quyết 'bén rễ'

Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để rồi, mỗi vụ thu hoạch quả, cả tỉnh như vào chiến dịch... là điều mà Sơn La đã làm được trong nhiều năm nay.

 

Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, giao cho người đứng đầu cấp ủy hoặc chính quyền làm Tổ trưởng tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, để rồi, mỗi vụ thu hoạch quả, cả tỉnh như vào chiến dịch, tổ chức rầm rộ các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Đây là cách mà tỉnh Sơn La đã và đang triển khai khi thực hiện chủ trương chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực tế cho thấy, cách làm này có tính lan tỏa rất lớn và mang đến nhiều thành công.

Khi cán bộ "xắn tay" đưa Nghị quyết "bén rễ" là nhan đề bài thứ 3 trong loạt bài: Nghị quyết về "tam nông": Bài học thực tiễn từ Sơn La.

"Chúng tôi vẫn thường trêu, phong anh Công Phó Chủ tịch tỉnh là “Nam thần bán hoa quả” vì thực tế là lãnh đạo đã vào cuộc rất sát sao. Như huyện Mai Sơn chúng tôi, anh Cường Bí thư cũng luôn rất sát sao, vào cuộc cùng các HTX và doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản".

"Tôi từng được đi tham gia các cuộc xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm, bản thân tôi đã rưng rưng rơi nước mắt khi thấy những người đứng đầu ở tỉnh từ ông bà Bí thư, Chủ tịch cho đến trưởng các Sở, ngành đứng cầm những quả nhãn của chúng tôi; hay cầm những miếng thanh long trực tiếp giới thiệu mời người dân ăn và thưởng thức. Qua đó, chúng tôi cũng đặt niềm tin nhiều hơn".

Đó là phát biểu cảm nhận của người dân, HTX ở Sơn La khi chứng kiến lãnh đạo địa phương mình xắn tay cùng người dân xúc tiến và bán các sản phẩm quả. Việc lãnh đạo từ cấp tỉnh đến Bí thư, Chủ tịch các huyện không chỉ “nói suông”, hay chỉ đạo chung chung, mà trực tiếp cùng người dân “bươn chải” từ khâu chọn giống, trồng và chăm sóc đến tích cực tìm hướng tiêu thụ... càng làm Nghị quyết về phát triển cây ăn quả của địa phương đạt nhiều kết quả.

Là Tổ trưởng Tổ sản xuất và tiêu thụ nông sản của địa phương, Bí thư Huyện ủy Mai Sơn, tỉnh Sơn La Nguyễn Việt Cường cùng các thành viên đã chủ động kết nối với hệ thống các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tại địa phương và các tỉnh, thành để thu gom, tiêu thụ hoa quả cho bà con.

Đến 2015, Sơn La có khoảng 30.000 ha cây ăn quả.Theo ông Cường: "Từ tổ công tác của huyện chúng tôi phân công nhiệm vụ và thành lập các tổ công tác của bản, tiểu khu, tổ dân phố, mỗi tổ 10 người và phân công cho mỗi một đồng chí phụ trách từng đồng chí trong tổ công tác đó tùy theo từng bản, được giao phụ trách từ 10, đến 20, 30 hộ dân và nắm rõ diện tích, sản lượng và tiêu thụ từng ngày của từng gia đình".

Tại huyện Mộc Châu – vựa quả của tỉnh Sơn La, với gần 10.000 ha diện tích, sản lượng khoảng 65.000 tấn mỗi năm, trước vụ thu hoạch, Ban Thường vụ Huyện ủy đều ban hành các thông báo kết luận; giao Ủy ban nhân dân huyện làm việc với các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong và ngoài địa bàn tìm hướng tiêu thụ nông sản cho người dân đảm bảo thuận lợi nhất. Mỗi tổ chức hội, đoàn thể từ huyện đến xã, bản đều phải “xắn tay” kết nối đưa hoa quả đi tiêu thụ khắp các thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu.

Phó Bí thư Huyện ủy Mộc Châu Phạm Thị Nhung cho biết: "Chủ tịch Hội Nông dân, Bí thư Huyện đoàn... tất cả anh em khi vào vụ thu hoạch đều có mặt ở cơ sở. Đi xuống cơ sở như vậy để kết nối theo hệ thống Hội, đoàn thể của mình. Trong đợt vừa rồi Hội nông dân và Huyện đoàn cùng phối hợp với nhau đã kết nối tiêu thụ được 11 tấn mận và gần 60 tấn xoài; còn Hội phụ nữ huyện lại phối hợp với Công an huyện và kết nối tới công an các huyện, thành phố ở các tỉnh khác và đã tiêu thụ được 23 tấn xoài cho dân...".

Thống kê trong toàn tỉnh, 9 tháng năm nay, Sơn La đã tiêu thụ trên 276.000 tấn nông sản, trong đó có một số loại nông sản tiêu thụ sản lượng lớn như: 81.000 tấn mận; 49.000 tấn xoài; 100.000 tấn nhãn… Giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 115,3 triệu USD, chiếm 92,6% giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của đội ngũ những người đứng đầu mỗi tổ chức, đơn vị, địa phương.

Ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, những năm 1970-1980 Sơn La đã trải qua lần di dân tái định cư, khi đó nhà nước hỗ trợ phần lớn là giống cây ăn quả. Đến 2015, Sơn La có khoảng 30.000 ha cây ăn quả, qua 30-40 năm đã trở thành cây bản địa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Sơn La. Ngoài ra, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa, với đức tính thật thà, chất phác và cần cù là điều kiện tốt để có thể thổi luồng gió mới trong phát triển nông nghiệp một cách thuận lợi…

Từ những yếu tố đó, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh vào tháng 9/2015 đến tháng 4/2016, Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành kết luận phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Để chương trình thực này trở thành một cuộc vận động để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

"Khi chuẩn bị ban hành Kết luận về chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc thì đội ngũ những người đứng đầu như chúng tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ, vì không thể đem thu nhập, miếng cơm manh áo của người dân ra thử nghiệm được. Bản thân tôi cũng phải nghiên cứu rất kỹ" - ông Hoàng Văn Chất chia sẻ.

Trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, để hoàn thành các mục tiêu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu, tỉnh Sơn La còn thành lập Ban chỉ đạo về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; Giám đốc các Sở Nông nghiệp, Công thương, Bí thư các huyện, thành phố là thành viên để tổ chức thực hiện công tác chỉ đạo, thúc đẩy, chế biến, sản xuất và tiêu thụ nông sản….

Qua đó, sản lượng 400.000 – 450.000 tấn quả hàng năm đều cơ bản được tiêu thụ triệt để, giúp người trồng quả yên tâm ổn định sản xuất, đời sống.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; trong đó, Đảng bộ từng địa phương ban hành Nghị quyết, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo từng vùng, chọn loại cây trồng chủ lực… là cú hích ngoạn mục để đưa lĩnh vực trồng trọt của Sơn La có bước tiến vượt bậc trong thực hiện nghị quyết về “tam nông”.

"Tôi đánh giá rất cao sự chỉ đạo từ lãnh đạo tỉnh đến huyện, xã của tỉnh Sơn La. Tỉnh đã thành lập được Ban chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản rất là hay và có kế hoạch cụ thể. Chính điều này đã tác động rất lớn đến vấn đề sản xuất theo đúng kế hoạch của Ngành, đúng theo tái cơ cấu của Ngành nông nghiệp" - Thứ trưởng Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Sự tích cực “xắn tay” vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt và rất chi tiết, cụ thể của người đứng đầu; sự đồng lòng, chủ động đổi mới trong tư duy và hành động của người dân chính là sức mạnh để nông nghiệp Sơn La bứt phá, trở thành điểm sáng của cả nước.

Thống kê trong toàn tỉnh, 9 tháng năm nay, Sơn La đã tiêu thụ trên 276.000 tấn nông sản, trong đó có một số loại nông sản tiêu thụ sản lượng lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, trong 15 năm thực hiện nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Sơn La cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, rút kinh nghiệm về những chương trình chưa thật sự phù hợp để xác định hướng phát triển các loại cây trồng cho hiệu quả bền vững. Bên cạnh đó là xác định các giải pháp căn cơ hơn để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đặc thù miền núi, hướng tới mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đây cũng là nội dung bài thứ 4, cũng là bài cuối trong loạt phóng sự “Nghị quyết về “tam nông”: Bài học thực tiễn từ Sơn La”./.

Thanh Thuỷ - Thu Thuỳ/VOV-Tây Bắc

 

Bình luận

    Chưa có bình luận