Doanh nghiệp liên kết nông sản khó xây dựng thương hiệu, vì sao?

  • 22/10/2022 07:32:34
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Thực hiện quyết sách, giải pháp cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và tận dụng cơ hội xuất khẩu các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ đã hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của Bộ NN-PTNT, mặc dù số lượng HTX đảm nhận bao tiêu sản phẩm và số lượng các chuỗi liên kết có xu hướng tăng trong những năm gần đây, nhưng chưa có liên kết nào tạo nên thương hiệu.

 

Liên kết “4 nhà” còn lỏng lẻo

Để lý giải phần nào nguyên nhân của thực trạng trên, chúng tôi đã tìm đến những mô hình liên kết tại Hà Giang, Lào Cai. Tiếp chúng tôi, chị Mạc Thị Miến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông sản dầu lạc Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang chia sẻ, HTX nông sản dầu lạc Đồng Yên là một trong những HTX tiêu biểu được UBND tỉnh Hà Giang thẩm định và lựa chọn là đơn vị thực hiện chính sánh của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ngày 09/3/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Dự án liên kết trồng lạc để bao tiêu sản phẩm lạc củ và chế biến tinh dầu lạc với chủ trì liên kết là HTX nông sản dầu lạc Đồng Yên, với tổng kinh phí thực hiện dự án gần 6,2 tỷ đồng. Trong đó vốn đối ứng của các bên tham gia liên kết là gần 3,7 tỷ đồng, còn lại là nhà nước hỗ trợ. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2023, với quy mô liên kết với 633 hộ, diện tích trồng 200ha.

HTX nông sản dầu lạc Đồng Yên không thể nghiệm thu Dự án liên kết trồng lạc để bao tiêu sản phẩm lạc củ và chế biến tinh dầu lạc do vướng mắc trong khâu chuyển đổi mục đích sử dụng đất.  Ảnh: Trần QuýVới quyết tâm thực hiện dự án, chị Miến đã tiến hành xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại trên 300m2 đất thổ cư, gồm đất ở, đất vườn của gia đình. Tuy nhiên, khi nghiệm thu dự án, chị gặp phải vướng mắc trong khâu chuyển đổi mục đích sử dụng đất xây dựng kho bảo quản lạc sang đất phi nông nghiệp khác do vị trí đất của gia đình được quy hoạch là đất ở tại nông thôn. Điều này đồng nghĩa với việc dự án không thể nghiệm thu được.

“Khi thực hiện dự án các cơ quan chức năng xuống khảo sát, thẩm định nhưng không hề có thông báo hay hướng dẫn gì về việc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đến nay tôi đã đầu tư, xây dựng, triển khai chuỗi liên kết nhưng không nghiệm thu được. Tôi không biết lấy gì trả nợ ngân hàng. Tôi thật sự bế tắc, không biết tháo gỡ bằng cách nào”, chị Miến phân trần.

Khác với chị Miến, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty TNHH MTV chè Đại Hưng, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - đơn vị thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân từ những năm 2005, với số hộ liên kết tại thời điểm hiện tại là 1200 hộ, trên tổng diện tích 559ha, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện, công ty bị dừng nhập khẩu chè sang Đài Loan từ tháng 7 đến nay do không quản lý được thuốc bảo vệ thực vật.

Nhận được thông tin từ tháng 7/2022, Đài Loan sẽ dừng nhập khẩu sản phẩm chè có dư lượng thuốc Oshin (loại thuốc tiêu diệt bọ xít muỗi trên cây chè rất hiệu quả và trước đây được Đài Loan chấp nhận cho dùng), công ty ngay lập tức thông báo đến các hộ trồng, tuyệt đối không được dùng loại thuốc này nữa, đồng thời dừng cấp phát thuốc này cho bà con. Đây là loại thuốc không bán trên thị trường. Thế mà những lô hàng sau đó của công ty bị phía Đài Loan trả về do có dư lượng thuốc Oshin trên sản phẩm. Tìm hiểu nguyên nhân, công ty mới biết bà con không tuân thủ quy định này, khi có sâu bệnh đã sử dụng lượng thuốc đã được cấp phát trước do chưa sử dụng hết.

“Không những thế, người dân còn không tuân thủ kỹ thuật thu hái theo hướng dẫn. Khi được thông báo, nếu hái không đúng tiêu chuẩn công ty không mua hoặc giảm giá thì người dân ngay lập tức đưa ra cái lý “mai tôi về tôi chặt chè đi”. Tư duy rất lạc hậu và tâm lý ỉ lại, biết cây chè được bảo hộ nên người ta vin vào đó nhiều”, ông Thuận chia sẻ.

Ở góc nhìn khác bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho biết: “Hình thức chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không bền vững do hợp đồng liên kết lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ. Khi giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; khi giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp không thu mua sản phẩm của người sản xuất. Trong khi đó hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng. Nội dung nhiều hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao, do đó các bên dễ vi phạm hợp đồng và nông dân thường gặp bất lợi”.

Cần có chính sách ưu đãi đối với các chủ thể tham gia chuỗi liên kết

Chị Miến kiến nghị, UBND tỉnh Hà Giang, UBND huyện Bắc Quang cùng các ban ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho HTX, bởi dự án đã triển khai 2 năm nhưng chưa được nghiệm thu đang đứng trước nguy cơ phá sản, qua đó giúp HTX yên tâm sản xuất, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu…

Ông Thuận cho biết, để xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm phải định vị sản phẩm ổn định về chất lượng và vùng nguyên liệu bền vững. Vì thế cần thay đổi nhận thức của người dân về liên kết và tiêu thụ nông sản. Người dân phải nhận thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo yêu cầu sản xuất sản phẩm.

Để xây dựng thương hiệu, sản phẩm phải ổn định về chất lượng và vùng nguyên liệu bền vững.  Ảnh: Trần Quý

Bà Duyên đưa ra giải pháp, chú trọng xây dựng các mô hình mới, có giá trị kinh tế cao; đồng thời có chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Có chính sách ưu đãi đối với các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, trong đó chủ chuỗi liên kết được vay vốn đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng thực tiễn của sản xuất và nhu cầu thị trường.

Nông dân là chủ thể của các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản do vậy cần có các giải pháp như đào tạo, tập huấn, hội thảo,... về liên kết chuỗi để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo sự chủ động cho người nông dân trong việc xây dựng và cùng tham gia xây dựng các chuỗi liên kết, có những tác động để nông dân thấy được và có được những lợi ích từ sản xuất chuỗi mang lại.

Tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các HTX. Từ đó, giúp họ hoạch định bài bản chiến lược sản xuất kinh doanh, nhất là đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung hỗ trợ trong việc mở các cửa hàng cung ứng sản phẩm cũng như đẩy mạnh khâu truyền thông, quảng bá, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để được tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm.

Chú trọng việc kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với hợp tác xã kiểu mới, nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm và bị tư thương ép giá ở các địa phương.

Đổi mới đa dạng hóa các sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, dựa trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Cả nước hiện có khoảng 18.760 HTX nông nghiệp, 81 Liên hiệp HTX, với tổng số khoảng 3,23 triệu thành viên. Có 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số HTX. Có tác nhân tham gia các chuỗi liên kết-chế biến-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gồm 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân, 4.028 hợp tác xã nông nghiệp và 1.867 doanh nghiệp. Các hình thức liên kết chủ yếu là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng, liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín hoặc liên kết dọc giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, nông hộ; liên kết ngang giữa doanh nghiệp”.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT: “Cần cải thiện mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp, liên kết vùng phải thực sự bền vững cho cả hai chủ thể trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản. Việc liên kết chuỗi chỉ thật sự hiệu quả khi hai bên cam kết chia sẻ lợi ích, cùng hợp tác để tăng giá trị nông sản”.

Ông Trần Thế Như Hiệp, Phó Tổng giám đốc Tổ chức chứng nhận NHO-QSCert: “Muốn kiểm soát chất lượng trong suốt các chuỗi liên kết nối tiếp nhau đó, các đơn vị tham gia chuỗi phải đổi mới quy trình quản lý, ứng dụng công nghệ như mã vạch, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý... để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc một cách chi tiết nhất, tạo uy tín củng cố thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận