Những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu
Đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu do hiện nay nước ta phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, nhất là các ngành dệt may, da giày, điện tử, nhựa… Tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD trong xu hướng mất giá chung làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với nhiều nước khác như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...
Cùng với đó, các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, triển vọng đơn hàng cho quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may không mấy khả quan, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng. Số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25 - 50% so với quý II/2022, tương đương với mức giảm doanh thu 15 - 20% so với cùng kỳ theo ước tính, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.
Chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu. Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Xu hướng bảo hộ mậu dịch vẫn tiếp tục khi các quốc gia tăng cường việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thiếu vốn và tiếp cận các nguồn vốn còn khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi và mở rộng sản xuất.
Giải pháp hỗ trợ
Bộ Công Thương cho biết đã và đang tìm nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững. Trong đó, tập trung hướng dẫn doanh nghiệp chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á, nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ thông tin thị trường, tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.
Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp khi nhu cầu thị trường thế giới nhu cầu giảm nhằm giữ ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và việc làm cho người lao động. Theo đó, tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường phù hợp.
Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các ngành hàng. Tiếp tục theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, trao đổi mua bán hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy thương mại chính ngạch; tăng cường công tác thông tin, định hướng doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc./.
Xuất khẩu 10 tháng năm nay tăng trưởng gần 16% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mục tiêu kế hoạch đề ra, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 312,8 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD. Đây là cơ sở để kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể vượt cao hơn. |
Nguyên Long