Áp lực gia tăng lên thị trường năng lượng toàn cầu

Lệnh cấm của EU với dầu Nga được cho là sẽ làm tăng thêm áp lực lên thị trường năng lượng vốn đã rất căng thẳng.

 

Giá năng lượng đã tăng vọt đã khiến tình trạng lạm phát trở nên "nóng" hơn tại nhiều quốc gia.

Nhu cầu dầu thế giới sẽ giảm vào năm tới?

Theo thông tin trên trang Oil Price, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm tới trong bối cảnh OPEC + tiến hành cắt giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào tháng trước.

Trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn công bố hôm qua (8/11), EIA đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 xuống 320.000 thùng/ngày, về mức 1,16 triệu thùng/ngày, trong khi nâng mức tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2022 lên 140.000 thùng/ngày, lên mức 2,6 triệu thùng/ngày.

EIA dự kiến ​​tồn kho dầu toàn cầu sẽ bắt đầu giảm trở lại vào đầu năm 2023, sau mức tăng trưởng 0,8 triệu thùng/ngày trong quý 3/2022 và tăng trưởng 0,2 triệu thùng/ngày trong quý 4 năm nay.

Đối với năm 2023, EIA cho thấy tồn kho dầu toàn cầu giảm 1,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm tới, với mức lỗ trung bình 300.000 thùng/ngày trong cả năm 2023.

Cơ quan này cho biết sự không chắc chắn trong điều kiện kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng đáng kể đến thị trường năng lượng trong giai đoạn dự báo.

EIA dự báo sản lượng dầu thô của OPEC sẽ giảm trong tháng 11 và tháng 12, đồng thời cho biết sản lượng hàng năm của OPEC đạt trung bình 28,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 300.000 thùng/ngày so với năm nay.

Theo nhận định của EIA, giá trung bình một thùng dầu Brent trong năm 2023 sẽ là 95,33 USD, giảm so với mức trung bình 102,13 USD trong năm nay, do sự tăng trưởng trong sản xuất dầu của OPEC và ngoài OPEC. EIA cho rằng giá dầu Brent sẽ tiếp tục đi lên vào nửa cuối năm sau.

Áp lực gia tăng lên thị trường năng lượng

Tờ Washington Post đưa tin, thế giới sắp mất nhiều dầu thô của Nga khi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và giới hạn giá do Mỹ dẫn đầu có hiệu lực sau gần 1 tháng nữa.

Cụ thể, các nước EU sẽ tạm dừng hầu hết nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển từ ngày 5/12 tới, còn đường ống dẫn đến Ba Lan và Đức sẽ ngừng vào cuối năm nay. Các lô hàng đến châu Âu đã giảm xuống một nửa so với thời điểm trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Phần lớn số còn lại sẽ chuyển hướng sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu phần lớn dầu Nga sẽ không chỉ tạo thêm áp lực cho Nga, mà còn với chính các nước EU và làm trầm trọng thêm những cuộc khủng hoảng khác đang diễn ra trên thế giới.

Theo tính toán sơ bộ, lệnh trừng phạt của EU sẽ cắt giảm tối đa 700.000 thùng/ngày. Các đường ống vận chuyển đến Ba Lan và Đức đã đạt khoảng 650.000 thùng/ngày vào năm ngoái. Vì vậy, điều đó sẽ đưa tổng khối lượng có nguy cơ trực tiếp lên mức tối đa khoảng 1,35 triệu thùng/ngày.

Nga đang tìm khách hàng tiềm năng mới thay thế cho thị trường châu Âu. (Ảnh minh họa: CFR)

Lệnh cấm của EU với dầu Nga sẽ làm tăng thêm áp lực cho thị trường năng lượng vốn đã rất căng thẳng. Giá năng lượng đã tăng vọt trong năm qua, góp phần vào tình trạng lạm phát nóng ở nhiều nước. Trong khi đó Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa tuyên bố tiếp tục cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày cách đây không lâu.

Thêm vào đó, giới hạn giá - do Mỹ ủng hộ - nhằm cung cấp một van an toàn, cho phép người mua tiếp tục tiếp cận các tàu châu Âu và bảo hiểm nếu giá họ phải trả cho hàng hóa dưới mức chưa được xác định.

Dự kiến, giá trần sẽ được xác định phù hợp với mức trung bình lịch sử giá ở mức 63- 64 USD/thùng, đây có thể tạo thành giới hạn mức giá tự nhiên.

Các đối tác của liên minh gồm Mỹ, các nước G7, Australia có kế hoạch thực thi giới hạn bằng cách từ chối các dịch vụ hàng hải, chẳng hạn như bảo hiểm, tài chính, môi giới và hàng hải, đối với các hàng hóa dầu của Nga có giá cao hơn giới hạn.

Giá trần sẽ hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga, đồng thời buộc Nga phải giảm giá dầu để bù đắp chi phí vận chuyển tăng cao do lệnh cấm vận nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của EU. Hiện, Nga phụ thuộc vào ngành vận tải hàng hóa để xuất khẩu hầu hết dầu mỏ của mình. Các tàu chở dầu cần có các hợp đồng bảo hiểm trong khi các công ty của các nước EU và G7 chiếm ưu thế trên thị trường bảo hiểm hàng hải.

Về phía nguồn cung, việc cắt giảm sản lượng của nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC +, trong đó Nga là thành viên chủ chốt, sẽ không gần với con số 2 triệu thùng/ngày mà họ đã công bố vào tháng trước. Hầu hết các nhà phân tích đánh giá mức cắt giảm thực tế vào khoảng một nửa mức đó.

Ở phía bên kia của cán cân, tiêu thụ dầu đang giảm, bị ảnh hưởng bởi giá cao, đồng đô la Mỹ mạnh và quyết tâm của các ngân hàng trung ương trong việc chống lại lạm phát leo thang, ngay cả khi phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế.

Để cân bằng cung và cầu trên thị trường toàn cầu, thế giới sẽ cần 29 triệu thùng/ngày dầu thô từ các nước thành viên OPEC trong những tháng tới, ngay cả khi nguồn cung của Nga mất 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 12 này./.

Trần Ngọc/VOV.VN (lược dịch)
Theo Washington Post, Oil Price

 

Bình luận

    Chưa có bình luận