Thời gian qua, hàng chục nghìn hecta đất lâm nghiệp đã được tỉnh Cao Bằng giao cho các doanh nghiệp quản lý, bảo vệ và thực hiện trồng rừng sản xuất phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, phần lớn các diện tích chưa được doanh nghiệp phát huy hiệu quả trong khi nhiều hộ dân vẫn thiếu đất trồng rừng.
Xã Bạch Đằng, huyện Hòa An có tới 90% dân số sống bằng nông, lâm nghiệp và tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên đến 25%, tuy nhiên, toàn bộ diện tích hơn 4.400 hecta đất rừng sản xuất của xã lại do Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng quản lý. Dù được giao nhiều đất nhưng doanh nghiệp này cũng chỉ trồng được khoảng hơn 200 hecta, số còn lại khoảng hơn 100 ha doanh nghiệp liên kết với người dân trồng, chăm sóc sau đó hưởng phần trăm lợi nhuận khi khai thác. Nhiều hộ dân không có đất buộc phải tìm những khu vực ven đồi, tận dụng những vạt đất trống để trồng thêm keo, mỡ hoặc chấp nhận liên kết với doanh nghiệp trồng rừng.
“Đất giao cho công ty lớn quá nên hiệu quả đầu tư không được cao. Nếu giao cho nhân dân thì chắc chắn hiệu quả trên rừng sẽ cao hơn. Nhân dân mong muốn được đầu tư trồng rừng trên diện tích tại địa phương nhưng vướng vì đất đã giao hết cho công ty nên dân không thể thực hiện được. Bà con qua tiếp xúc cử tri đều kiến nghị được giao lại đất để phát triển sản xuất”, ông Nông Ích Hoán, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, huyện Hòa An cho biết.
Thực tế từ năm 2010 đến nay, Cao Bằng đã giao gần 22.000 ha đất lâm nghiệp cho 5 đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện các dự án bảo vệ phát triển rừng (kế hoạch là hơn 33.000 ha). Sau khi nhận bàn giao đất, hầu hết doanh nghiệp với nhiều lý do từ vướng mắc thủ tục, thiếu nguồn lực đầu tư, một số thay đổi về quy định cải tạo rừng nghèo kiệt… đã không thể triển khai trồng rừng theo đúng kế hoạch.
Trong số 5 doanh nghiệp, một đơn vị là Công ty TNHH Phát triển kỹ nghệ thương mại Hà Nội đã chấm dứt dự án quy mô gần 2.000 ha tại huyện Hạ Lang sau khi chỉ thực hiện được hơn 6% diện tích theo kế hoạch. Đơn vị khác là Công ty TNHH Quang Minh được giao hơn 3.300 ha nhưng thực tế hầu hết diện tích vẫn do người dân trồng, chăm sóc, công ty cung ứng giống, phân bón và bao tiêu đầu ra. Dự án trồng rừng nguyên liệu bột giấy quy mô 9.000 hecta của Doanh nghiệp tư nhân Thắng Lợi cũng hết thời hạn triển khai, được điều chỉnh dự án xuống chỉ còn hơn 220 ha… Riêng công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng được giao gần 18.000 ha nhưng hơn 10 năm qua mới trồng được vỏn vẹn 630 ha, nhiều diện tích chưa được cắm mốc địa giới, thậm chí là có sự chồng lấn với đất thuộc quản lý của người dân địa phương.
Trước thực trạng này, tỉnh Cao Bằng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát thực tế để có phương án xử lý thích hợp. Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, qua đánh giá cả 5 đơn vị đều chưa sử dụng hết phần diện tích đất trống được giao trồng rừng, chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả của đất. Một số đơn vị còn để xảy ra cháy rừng, phá rừng trái pháp luật trên diện tích giao quản lý:
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo UBND tỉnh Cao Bằng kết quả trồng rừng, bảo vệ phát triển rừng của 5 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã được giao đất, cho thuê đất. Có đề xuất với UBND tỉnh thu hồi những diện tích chưa được giao cụ thể cho doanh nghiệp và doanh nghiệp không tiếp tục triển khai thực hiện được để giao lại cho chính quyền địa phương cũng như người dân để người dân tiếp tục quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, ông Nguyễn Thái Hà cho biết thêm.
Việc phần lớn diện tích Cao Bằng là núi đá hoặc rừng tự nhiên không được phép cải tạo trồng rừng, trong khi nhiều diện tích đất lâm nghiệp lại không phát huy hiệu quả khi nằm trong tay doanh nghiệp là điều đáng tiếc.
“Theo kiến nghị của nhân dân, của cử tri, thời gian qua, Cao Bằng đã rà soát và đã thu hồi một số dự án không hiệu quả. Hiện nay, việc rà soát vẫn đang tiếp tục, tuy nhiên, do hệ thống bản đồ và thực địa có những sự chênh lệch với nhau nên gặp không ít khó khăn và mục tiêu hoàn thành ngay trong năm 2022. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là kiên quyết thu hồi các diện tích mà doanh nghiệp không thể triển khai được và đồng thời phát huy được việc trồng rừng phát triển kinh tế của người dân”, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nói.
Chủ trương chung của Cao Bằng đó là tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư dự án trên cơ sở khả năng và nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, với những diện tích này rất cần sự giám sát chặt chẽ của chính quyền và ngành chức năng địa phương, tránh tình trạng doanh nghiệp tiếp tục giữ đất rồi để không trong khi người dân đang thiếu đất trồng rừng. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp “phát canh thu tô” với người dân trên những diện tích đất trồng rừng được giao./.
Công Luận/VOV-Đông Bắc