Đây là thông tin được Bộ Tài chính cho biết tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 và triển khai năm 2023 tổ chức chiều nay 19/12.
Thu ngân sách nhà nước đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng
Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 15/12, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78.000 tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội. Tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Thu ngân sách Trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.
Năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn, an ninh, quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong điều hành, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các luật thuế; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác quản lý thu, nhất là đối với các lĩnh vực thương mại điện tử, bất động sản; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Một trong những điểm tích cực đóng góp vào thu ngân sách năm 2022 nhờ giải pháp chống thất thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản. Ước cả năm 2022, thu thuế từ bất động sản đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021. Bên cạnh đó, năm 2022 sau khi triển khai cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, đến nay, đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3.440 tỷ đồng.
Kiểm soát tốt nợ công, nâng mức xếp hạng tín nhiệm
Năm 2022, chi ngân sách nhà nước ước đạt 1,45 triệu tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán. Ước tính năm 2022, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% GDP.
Bộ Tài chính chủ động tham mưu gói phục hồi kinh tế với quy mô 347.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chuyển đổi số; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% chi thường xuyên so định mức phân bổ ngân sách; tiếp tục cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, tập trung nguồn lực cho Chương trình phục hồi và giảm bội chi ngân sách.
Năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí,... với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn dự kiến khoảng 233.500 tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền khoảng 193.400 tỷ đồng (gia hạn khoảng 105.900 tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 87.500 tỷ đồng).
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43 - 44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40 - 41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40 - 41% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18-19% tổng thu ngân sách nhà nước. Các mức này đều thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội.
Kết quả tích cực từ phát triển kinh tế xã hội, tài chính ngân sách nhà nước, quản lý, kiểm soát nợ công đã góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Năm 2022, Việt Nam tiếp tục được S&P Global Ratings đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, “triển vọng ổn định”; và Moody's Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn từ mức Ba3 lên mức Ba2, “triển vọng ổn định”.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia
Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ công, nợ của chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Cụ thể, tiếp tục kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định và phấn đấu thấp hơn, qua đó giảm nợ công. Các khoản vay mới vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Bố trí thanh toán trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; bám sát các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hàng năm. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững...
Năm 2023, dự toán thu ngân sách ở mức 1,62 triệu tỷ đồng (trong đó, thu nội địa chiếm 82,3%; thu dầu thô chiếm 2,6% và thu cân đối xuất nhập khẩu chiếm 14,7%). Dự toán chi ngân sách 2,076 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4,42% GDP./.
Theo VOV.VN