Những tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn do sụt giảm về đơn hàng, áp lực về chi phí đầu vào tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất… Điều này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Khảo sát mới nhất mà VCCI TP.HCM thực hiện tại 37 doanh nghiệp có quy mô từ 1.000 đến 5.000 lao động ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương cho thấy có 46% số doanh nghiệp vẫn giữ nguyên lực lượng lao động, 40,5% có kế hoạch cắt giảm lao động với khoảng 9.700 người và 13,5% đang có nhu cầu tăng tuyển dụng lao động phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Thực tế ghi nhận tại Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam, vào thời điểm này, năm nay đơn hàng giảm hơn mọi năm, mặc dù những tháng qua, Ban điều hành công ty đã nỗ lực tìm kiếm thêm các đối tác, bạn hàng mới, song cũng gặp khó do nhu cầu tại nhiều quốc gia tại các thị trường Châu Âu, Mỹ… đang có xu hướng tiêu dùng giảm hơn so với trước.
Bà Trịnh Thị Hợp, Quản đốc Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam cho biết: "Tình trạng chung của tất cả doanh nghiệp cũng giống nhau, đơn hàng năm nay so với năm ngoái giảm hơn. Nếu thời điểm này năm ngoái - thời điểm cuối năm chúng tôi tăng ca cho công nhân nhiều hơn, đơn hàng nhiều hơn, song năm nay thời điểm này đang rất trầm lắng, không có tăng ca kíp. Hiện lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm mọi biện pháp để có thêm đơn hàng để cho công nhân sản xuất ổn định cuộc sống cho người công nhân".
Theo thông tin từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu diễn ra ở tất cả doanh nghiệp của ngành. Bình quân lượng hàng giảm khoảng 30% so với đầu năm.
Ở lĩnh vực khác như sản xuất các vật liệu xây dựng, bà Đinh Hoài Giang, Tổng Giám đốc công ty Secoin cho biết, do ảnh hưởng của xung đột chiến tranh, giá cả xăng dầu biến động quá lớn, tình hình lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới… khiến việc tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.
Bà Đinh Hoài Giang chia sẻ: "Với thị trường lâu năm mà chúng tôi xuất khẩu từ 1999 đến nay là thị trường Nhật, thì đến nay đột ngột dừng lại - khi tìm hiểu ra không phải là do chất lượng sản phẩm của chúng tôi, mà hoàn toàn tình hình lạm phát của nước Nhật. Còn với sản phẩm khác của chúng tôi đi Mỹ, đi Châu Âu đều bị giảm đi; thị trường trong nước cũng như vậy - Trước đây chúng tôi cấp hàng không kịp cho dự án lớn, nhưng hiện nay nhiều dự án lấy hàng rất chậm".
Không những vậy, hiện nay một số mặt hàng nông sản như tinh bột sắn hiện cũng đang gặp khó, không xuất khẩu được. Niên vụ sản xuất 2021 - 2022 của Công ty cổ phần nông lâm sản, thực phẩm Yên Bái vừa kết thúc, nhưng đến nay theo báo cáo của doanh nghiệp này thì hiện đang tồn kho 1.000 tấn tinh bột sắn chưa xuất khẩu được.
Ông Lê Long Giang, Giám đốc công ty cho biết: "Bởi tác động của chính sách Zero Covid từ Trung Quốc nên mặt hàng tinh bột sắn hiện nay hầu như bị chững lại, không có một khách hàng nào dám mang hàng sang Trung Quốc vì mang sang không giao được hàng, xe lưu bên đấy chi phí rất là cao".
Dự báo trong năm 2023, tình hình suy thoái toàn cầu sẽ còn có những tác động không nhỏ tới tình hình sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp trong nước; đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông lâm sản chủ lực.
Do đó, theo ông Lê Long Giang, các doanh nghiệp cần phải có sự đánh giá và kịp thời thích ứng để duy trì sản xuất, kinh doanh: "Doanh nghiệp vẫn cố gắng tích lũy hàng trong kho và huy động các nguồn lực tài chính để tổ chức thu mua hàng, đảm bảo nhu cầu bán hàng nông sản của nhân dân, đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất để đảm bảo việc làm và đời sống của cán bộ, công nhân viên. Tiết giảm các chi phí và làm việc với các ngân hàng để đáp ứng được nguồn vốn".
Giải pháp nào để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động?
Sau hơn hai năm chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức trong việc tìm kiếm các nguồn vốn. Ngoài việc đơn hàng và thị trường sụt giảm, khiến dòng tiền giảm mạnh ở nhiều ngành, lĩnh vực thì việc cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là vấn đề nan giải hiện nay đối với các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch công ty May Hưng Yên nêu ý kiến: "Hiện tại Nhà nước đã có một số giãn thuế cho doanh nghiệp, nhưng vừa rồi thì chẳng hạn giãn thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 30/12 thông báo là hết hạn, doanh nghiệp nộp tiền xong rồi, nhưng 1/1 mới bố được hoãn giãn cho đến ngày 30/3 năm sau, cái đó thì quả thật về chính sách, chế độ chưa kịp thời, chưa tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất".
Còn đại diện hiệp hội doanh nghiệp dệt may, da giày, gỗ cho biết, để có thể duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân người lao động, hơn lúc nào hết rất cần sự hỗ trợ của chính phủ bằng các chính sách. Cụ thể là ban hành gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như đã áp dụng trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh COVID-19, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đề nghị xem xét ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp từ ngân hàng: "Ngân hàng siết lãi suất tăng quá cao, doanh nghiệp không thể làm được khi người mua toàn trả chậm. Có những đơn hàng FOB giá trị rất lớn nhưng dù rất cần đơn hàng thì doanh nghiệp cũng chào thua. Như vậy vấn đề lãi suất ngân hàng tôi nghĩ Chính phủ có thể hỗ trợ, tức là có chính sách vay tốt hoặc là hỗ trợ như thời COVID để họ có thể giữ được lực lượng lao động".
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để khắc phục phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt để giảm sự bị động về tín hiệu thị trường, các bộ chuyên ngành cần cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có kế hoạch thích ứng phù hợp.
Theo ông Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn hơn cho doanh nghiệp, giảm mọi chi phí, để phục hồi kinh tế…
"Phải giảm mạnh thì khâu kiểm tra, giám sát không cần thiết; kiểm tra, giám sát quá mức sẽ thành ra quấy nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp không còn thời gian, sức lực để phát triển nữa. Về thủ tục hành chính phải được cải cách mạnh mẽ hơn nữa, để sát với kinh tế thị trường,năng động. Cùng với đó, giúp doanh nghiệp tự do phát triển sản xuất kinh doanh, không bị kỳ thị không bị đối xử phân biệt, đặc biệt là không gây khó dễ doanh nghiệp", ông Lê Quốc Lý kiến nghị.
Còn đứng ở góc độ chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động, theo Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, trước bối cảnh Tết nguyên đán đang đến rất gần, Tổ chức công đoàn Việt Nam đang quyết liệt để có những giải pháp, hỗ trợ kịp thời để mỗi người lao động có tết. Trong đó, Tổng Liên đoàn cũng nghiên cứu đề xuất những gói hỗ trợ trực tiếp của Công đoàn để gói hỗ trợ đến tay người lao động sớm nhất.
"Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ vơi người lao động sau một năm làm việc vất vả, sự chia sẻ của người sử dụng lao động lúc này là cách để chúng ta giữ chân người lao động ở giác độ Chính phủ, chúng tôi mong muốn các gói hỗ trợ sẽ được ban hành giản lược thủ tục theo quy định chung của pháp luật, như gói hỗ trợ của BHTN theo Nghị quyết 116", ông Ngọ Duy Hiểu nêu ý kiến.
Rõ ràng, trong bối cảnh còn nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp cần có biện pháp thích ứng, đưa ra những kịch bản ứng phó; cũng như chiến lược để tự mình cứu mình. Về lâu dài, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh tự động hóa trong sản xuất để tiết giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh và tiếp tục trụ vững trên thương trường./.
Như Ngọc - Thùy Linh/VOV Giao thông