Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP do Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức ngày 26/12, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, các DN Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước Thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6 % so với năm 2020.
Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đã có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng.
Phân tích thành công này, ông Thái cho rằng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định; Tăng cường phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú cũng như tích cực trao đổi với các nước Thành viên CPTPP để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi.
“Các Bộ, ngành đã tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN tập trung vào các biện pháp như khuyến khích, định hướng các DN có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với DN nội địa để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, đầu tư trực tuyến; tăng cường tổ chức rộng rãi các hoạt động hội chợ giới thiệu hàng Việt Nam; đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng để ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tham gia các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn”, ông Thái chỉ ra.
Tại Tọa đàm và phiên đối thoại trực tiếp, các diễn giả khách mời cùng nhìn lại những tác động tích cực của CPTPP đối với tăng trưởng kinh tế - thương mại Việt Nam trong 3 năm qua; những thuận lợi, khó khăn và giải pháp của Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ Hiệp định, đặc biệt là khai thác hiệu quả thị trường mới của khu vực châu Mỹ.
Còn nhiều cơ hội cho các DN tận dụng
Chia sẻ kinh nghiệm của DN trong tiếp cận thị trường CPTPP, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam cho biết, trong 9 tháng năm 2022, ngành điện tử vẫn dẫn dầu khối nghiệp chế biến chế tạo với trị giá xuất khẩu gần 87 tỉ USD, xuất siêu 12,5 tỉ USD. Có được kết quả này một phần nhờ chính sách thu hút FDI chọn lọc, nhưng tác động từ chính các FTA đã đem lại nhiều sức sống và cơ hội mới cho DN.
Trong khi các DN ngành điện tử chủ yếu lại là DN xuất khẩu chủ yếu thông qua chuỗi cung ứng với các sản phẩm gia công và sản xuất theo thiết kế gốc (ODM), hội nhập khi nhiều nước đã có bước đi rất dài nên từng bước phải điều chỉnh năng lực sản xuất, quản trị, đầu tư thiết bị theo chuỗi.
“Ngành điện tử hưởng lợi khá nhiều từ các FTA trong đó có Hiệp định CPTPP bằng việc tiếp cận và tham gia vào chuỗi cung ứng và quy trình công nghệ, kỹ năng quản trị, tiếp cận thị trường… một cách bài bản, chuyên nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng tỷ trọng xuất khẩu ngành điện tử rơi nhiều vào các DN FDI, dù không phủ nhận điều này nhưng để có kết quả này có sự tham gia đông đảo của rất nhiều các DN phụ trợ, linh kiện nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng”, bà Hương chia sẻ.
Theo ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), từ khi CPTPP chính thức thực thi, đến nay xuất khẩu sang các nước thành viên khu vực châu Mỹ tăng mạnh mẽ. Cùng với đó, Hiệp định CPTPP còn mở ra cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Hoàn cũng chỉ ra khó khăn của DN Việt Nam đang phải đương đầu, khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường các nước CPTTT đó là do khoảng cách địa lý giữa hai thị trường xa xôi, chênh lệch múi giờ nên khó khăn trong giao tiếp. Khoảng cách quá xa đã dẫn đến chi phí vận tải tăng lên rất nhiều lần trong khi các khu vực thị trường châu Mỹ, đặc biệt Canada và Mexico tiêu chuẩn chất lượng rất khắt khe, tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng cũng rất chặt chẽ…
“Khó nữa là nhận thức của DN nhập khẩu đối tác khu vực thị trường CPTPP về chất lượng hàng Việt. Nhiều sản phẩm của Việt Nam không có thương hiệu và giá trị giá tăng và ít được quan tâm nên thay vì nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam, các thị trường CPTPP sẽ nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc và các nước khác khu vực ASEAN… Đây cũng một phần do sự hiểu biết của các đối tác về DN Việt Nam không nhiều, do đó cần tăng cường xúc tiến thương mại, tăng chất lượng sản phẩm và tổ chức các chiến dịch quảng cáo, marketing… Ngoài ra, DN Việt Nam cần tận dụng được hệ thống hạ tầng thương mại các nước thông qua hệ thống thương vụ, hệ thống phân phối”, ông Hoàn đưa giải pháp./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN