14 địa phương xin xuất cấp gạo dự trữ cho dân trong dịp Tết

Năm 2022, Tổng cục Dự trữ đã giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện xuất cấp hơn 107.327 tấn gạo cho các địa phương để hỗ trợ người dân.

 

Năm 2022, Tổng cục Dự trữ đã giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện xuất cấp hơn 107.327 tấn gạo cho các địa phương để hỗ trợ người dân. Ước tính, giá trị gạo xuất cấp khoảng 1.287 tỷ đồng.

Tại họp báo chuyên đề ngày 26/12, ông Phạm Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết, đến nay đã có 14 địa phương trình Thủ tướng xuất cấp cho nhân dân trong một tháng dịp Tết Nguyên đán 2023,, mỗi nhân khẩu 15 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia. "Số lượng nhân khẩu dự kiến là 1.094 nhân khẩu với hơn 15.000 tấn gạo. Tổng cục DTNN đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng ban hành quyết định phân cấp", ông Phạm Việt Hà cho biết.

Trước thực trạng nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, dẫn tới cảnh mua xăng "phân phối" như trong tháng 11 vừa qua, bà Nguyễn Thị Phố Giang, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DTNN ghi nhận từ đầu năm 2022, thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp, nguồn cung có nhiều bất ổn dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Do đó, việc tăng mức dự trữ xăng dầu rất cần thiết. "Trong Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đầu mối, sản xuất cung ứng xăng dầu... về dự trữ lưu thông là 15-20 ngày, dự trữ sản xuất khoảng 90 ngày. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đáp ứng được 7 ngày sử dụng", bà Giang cho hay. Về vấn đề này, Tổng cục DTNN được sự chỉ đạo của Bộ Tài chính đang thảo luận mức dự trữ xăng dầu quốc gia phù hợp để có ý kiến cùng Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng phê duyệt.

Dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đủ dùng trong 7 ngày

Về công tác đấu thầu, ông Phạm Việt Hà cho biết hiện nay đấu thầu hàng dự trữ quốc gia công khai minh bạch qua mạng, có quy trình kiểm tra chất lượng cụ thể, thống nhất và đồng bộ. Mức giá đấu thầu được Bộ Tài chính phê duyệt sát giá thị trường. Nhà thầu tham gia cũng phải được đánh giá uy tín. "Nếu các nhà thầu vi phạm sẽ có chế tài cấm tham gia dự thầu 3-5 năm", ông Hà nói.

Nhìn lại năm 2022, ngành DTNN đã hoàn thành nhập kho 40.000 tấn thóc và 214.000 tấn gạo, hoàn thành 100% kế hoạch; đã và đang hoàn thành nhập kho 6 mặt hàng vật tư, thiết bị, tổ chức đấu thầu các mặt hàng còn lại theo quy định... Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Tổng cục DTNN đã triển khai phương thức mua hàng mới. 100% thóc, gạo DTQG được triển khai mua thông qua phương thức đấu thầu qua mạng.

Ông Phạm Vũ Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN - cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG với giá trị khoảng 1.506 tỷ đồng. "Số lượng hàng DTQG được xuất cấp kịp thời, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, góp phần giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và các nhiệm vụ viện trợ quốc tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ" - Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Anh khẳng định./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận