Hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ. Trao đổi với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, đưa ra những giải pháp cụ thể hóa mục tiêu này:
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quy mô của thị trường vốn Việt Nam hiện nay so với các nước trong khu vực cũng như sự phát triển chung của thế giới?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường vốn Việt Nam - bao gồm thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, trong đó có thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) - đã phát triển rất mạnh trong vài năm vừa qua và quy mô thị trường vốn đầu năm 2022 lên đến 134,5% GDP của cả năm 2021. Với sự phát triển mạnh như thế, thị trường vốn đáng lý ra có thể thay thế vai trò của hệ thống ngân hàng để cung cấp vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là những nhu cầu vốn trung dài hạn, còn ngân hàng thì sẽ đóng vai trò tiếp vốn cho nhu cầu vốn ngắn hạn. Đó cũng là thông lệ quốc tế. Nhưng ở Việt Nam thì hệ thống ngân hàng đang gánh một gánh nặng rất lớn là cung cấp chủ yếu nguồn vốn cho cả vốn ngắn hạn và vốn trung - dài hạn, trong khi nguồn vốn huy động của ngân hàng đa số lại là vốn ngắn hạn. Thị trường có phát triển, đóng góp nhiều nền kinh tế là một điều đáng mừng. Nhưng trong năm 2022 có rất nhiều biến cố và vai trò của thị trường vốn đã bị suy giảm do nhiều vụ việc xảy ra.
Ngoài việc năm 2022 có nhiều biến cố thì ngay từ đầu ông cũng có nói "lẽ ra là thị trường vốn phải cung cấp vốn trung và dài hạn thay cho vai trò của ngân hàng". Nhưng thực tế hiện nay ở Việt Nam thì Ngân hàng vẫn phải gánh vai đó. Theo ông nguyên nhân vì sao lại có tình trạng này?
Tình trạng này mang tính chất lịch sử bởi từ trước đến giờ ngành ngân hàng vẫn luôn luôn là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Thị trường vốn, thị trường trái phiếu mới phát triển khoảng 15 năm nay, chứ trước đó thị trường vốn của chúng ta phát triển èo uột. Về mặt lịch sử thì ngành ngân hàng cũng đóng vai trò rất lớn trong cung cấp tất cả các nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Thị trường tài chính của Việt Nam thiếu những công cụ để phát triển thị trường vốn, không có những quỹ hưu trí lớn như tại các nước phát triển. Chẳng hạn như tôi ở Mỹ có các quỹ hưu trí rất lớn, các doanh nghiệp dựng lên một quỹ hưu trí mời tất cả cán bộ, nhân viên và doanh nghiệp cũng đóng góp vào quỹ đó rồi dùng tiền đó để đầu tư và trả lại lợi nhuận cho nhân viên của họ, nhưng vấn đề đấu tư tìm lợi nhuận là thứ yếu, còn mục đích chính vẫn là để chi trả lương hưu cho người lao động khi nghi việc. Như vậy, khi về hưu người lao động có một số tiền lớn cho mình. Ở Việt Nam đang thiếu những công cụ như vậy. Thứ hai, Việt Nam thiếu những tổ chức tài chính như quỹ đầu tư lớn có thể huy động nguồn vốn dài hạn và cung cấp nguồn vốn dài hạn đó cho nền kinh tế. Đây là một điều đáng tiếc, đáng lý ra những quỹ như vậy phải được phát triển trong vòng 10 năm vừa qua. Trong những năm vừa rồi, trên nhiều diễn đàn tôi cũng nêu quan điểm cần phải phát triển thị trường vốn, Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm qua cũng quan tâm đến và triển khai một số giải pháp phát triển nhưng các giải pháp đó chưa mang lại hiệu quả mạnh mẽ, cho đến 4 - 5 năm gần đây thì phát triển đến mức nóng với tỉ lệ quy mô thị trường vốn đầu năm 2022 bằng 134,5% GDP của năm 2021. Thế nhưng rất tiếc là trong năm 2022 thì có nhiều yếu tố làm chậm lại sự phát triển thị trường vốn. Về mặt lịch sử thị trường vốn không phải là thị trường phát triển, nó cũng thiếu các công cụ, các quỹ đầu tư lớn có thể thu hút dòng vốn lớn lâu dài từ các nguồn tài chính như các hãng bảo hiểm cũng như các hãng đầu tư tài chính lớn.Hiện tại, thị trường cổ phiếu phát triển tốt nhưng trong thời gian gần đây cũng chao đảo. Thị trường trái phiếu thì chỉ có trái phiếu Chính phủ có tính bền vững còn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 gặp rất nhiều sự cố, hầu như bị đóng băng.
Trong bối cảnh như ông vừa phân tích thì ông có kỳ vọng gì cho thị trường vốn của Việt Nam trong năm 2023 cũng như trong tương lai để dần dần tiệm cận với cái hướng phát triển chung của thế giới?
Thị trường vốn hiện tại đang gặp trở ngại rất lớn, lòng tin của nhà đầu tư bị suy giảm một cách trầm trọng qua những sự cố từ đầu năm của Tân Hoàng Minh, FLC, cổ phiếu và gần đây nhất là Vạn Thịnh Phát. Nó làm cho nhà đầu tư rất hoang mang. Khi họ đầu tư vào những công cụ tài chính, nếu gặp sự cố thì gần như là tài sản của họ bị đóng băng. Rất nhiều nhà đầu tư hiện tại, nhất là các nhà đầu tư của Vạn Thịnh Phát, đang tìm mọi cách để lấy lại tiền, nhưng họ cảm nhận dường như mọi cánh cửa đều đóng lại. Từ đó dẫn đến sự mất lòng tin của các nhà đầu tư, do đó, thị trường TPDN muốn hoạt động trở lại thì vấn đề đầu tiên là phải phục hồi được lòng tin của nhà đầu tư. Thứ hai, quy định pháp luật thay đổi liên tục từ Nghị định 153 mới được hơn 2 năm, rồi mới đây được bổ sung bằng Nghị định 65 được có vài tháng bây giờ lại đề xuất sửa đổi. Thay đổi về mặt pháp lý làm cho nhà đầu tư rất hoang mang, ngay cả giới tài chính cũng vậy. Chẳng hạn như các công ty về xếp hạng tín nhiệm cho đến giờ này không biết là trong tương lai là thị trường xếp hạng tín nhiệm như thế nào? Trong khi xếp hạng tín nhiệm là một trong những công cụ khôi phục lại lòng tin của nhà đầu tư. Bây giờ các công ty xếp hạng cũng rất hoang mang với những thay đổi của Nghị định 65 về việc sẽ dời lại yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm sang năm 2024. Tất cả những cái đó nó tạo nên sự hoang mang lo lắng không những cho nhà đầu tư mà cho cả giới tài chính. Vấn đề đầu tiên của Chính phủ là phải tạo lại niềm tin đó.
Xin cảm ơn ông!