Bưởi đỏ Đông Cao từng bị chặt phá hàng loạt
Đến thôn Đông Cao hỏi thăm vườn bưởi Phương Ngọt ai cũng biết bởi ông Lương Văn Phương - chủ vườn, là một trong những người tiên phong gìn giữ, nhân rộng và phát triển trở lại thành công cây bưởi đỏ Đông Cao.
Đầu tháng chạp, giữa cái nắng hanh hao và cái lạnh se sắt, hầu hết cây cối đều ngả sang màu vàng và rụng lá, nhưng vườn bưởi của gia đình ông Lương Văn Phương vẫn phủ một màu xanh rì, khoẻ khoắn. Dưới tán lá lúc lỉu những quả bưởi được bọc cẩn thận trong túi giấy xi - măng. Trong lớp vỏ bọc ấy là trái bưởi đỏ mọng, khi dùng tay xoa vào trái bưởi, hương thơm nhẹ lưu lại ở lòng bàn tay rất lâu. Vì có màu sắc đẹp và hương thơm quyến rũ nên bưởi đỏ Đông Cao thường được người ta săn lùng để đặt trong mâm ngủ quả mỗi dịp Tết. Mỗi cây ước chừng từ 200 cho đến 300 quả.
Vừa nhanh tay tháo bỏ lớp vỏ bọc, ông Phương vừa nhanh nhảu: “Giống bưởi đỏ Đông Cao là một giống cây ăn quả đặc sản quý hiếm. Loại quả này còn có tên gọi là bưởi gấc, bởi khi chín cả vỏ, cùi và thịt quả đều có màu đỏ như gấc, trông rất đẹp mắt. Bưởi đỏ càng già quả càng sai, chất lượng quả càng ngon. Độ thuần chủng tuyệt đối, thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn đậu quả, nguồn gen trội cao nên hầu như không mất mùa”.
Quý hiếm là thế, nhưng có những thời điểm, người dân nơi đây phá bỏ để trồng giống khác. Theo lời kể, cây bưởi đỏ của khu vực thôn Đông Cao có nguồn gốc từ năm 1960. Trong giai đoạn 1960, 1961 người ta gọi bưởi Đông Cao bánh men là bưởi “đấu gạo”, bởi giá trị mỗi quả bưởi ngày ấy bằng một đấu gạo. Thời kỳ đỉnh cao ấy được duy trì trong 20 đến 25 năm. Đến năm 1993, khi bưởi Diễn lên ngôi với giá bán mỗi quả từ 40 đến 50 nghìn đồng, trong khi bưởi đỏ chỉ có giá từ 10 đến 15 nghìn đồng, người dân thôn Đông Cao đã chặt bỏ bưởi đỏ và cải tạo ghép trồng bưởi Diễn. Mặc kệ người dân chặt bỏ, gia đình ông Phương vẫn quyết tâm giữ lại giống bưởi quý có từ thời cha ông cho đến ngày nay.
Năm 2012, biết gia đình ông Phương đang giữ cây bưởi có tuổi đời lâu năm nhất ở Đông Cao, Trung tâm bảo tồn, Viện di truyền nông nghiệp và Viện tài nguyên thực vật tiếp cận gia đình ông Phương với mong muốn được khảo sát để bảo tồn giống và giữ nguồn gien quý, nhân gien trội đang trên đường tuyệt chủng. Thống kê thời điểm đó thôn Đông Cao có 900 gốc. Sau khi phân loại được 34 cây đầu dòng, Viện tài nguyên thực vật đã tiến hành cấp mã số cho từng cây.
Năm 2014, biết đến giống bưởi quý, Sở NN và PTNT Hà Nội đã triển khai dự án phát triển bền vững cây trồng này nhằm nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho bà con. Ông Phương đã nhân giống, phát triển cho bà con lân cận. Khi ấy cây bưởi Diễn sau thời kỳ phát triển nở rộ không còn được như trước nữa. Nhận thấy cây bưởi đỏ không những có giá trị về kinh tế mà còn chứa đựng nguồn gốc văn hóa, người dân thôn Đông Cao đã quay trở lại trồng và phát triển giống cây này.
Quà biếu ý nghĩa cho ngày Tết.
Ông Phương chia sẻ, gia đình ông đang quản lý cây bưởi “tổ”, hay còn gọi là cây đầu dòng của giống bưởi đỏ tiến vua, có giai đoạn tuổi đời trên 60 năm. "Năm 1960, bố tôi là Lương Văn Vy trồng cây bưởi này. Một đặc điểm thú vị của cây bưởi đỏ là khi nhỏ bưởi có màu xanh, vàng, còn khi chín bưởi chuyển sang màu đỏ bắt mắt".
Để có những sản phẩm bưởi chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu của thị trường thì giống cực kỳ quan trọng. Cây phải có nguồn gốc đặc sản địa phương, sinh trưởng khỏe, phân cành mạnh. Quả chín có vỏ màu đỏ, ruột đỏ. Đối với cây bưởi chiết nên có đường kính từ 1 - 1,5cm, cao khoảng 60 - 80cm, có 2-3 cành cấp 1 được ươm trong bầu, có rễ thứ cấp mới được đem đi trồng. Còn cây bưởi ghép nên có đường kính gốc ghép từ 0,8 - 1cm, cành cao khoảng 25 - 30cm, đặc biệt là phải khỏe mạnh không bị sâu bệnh.
Để sản phẩm bưởi đỏ vươn xa ra thị trường, ông Phương đã vận động bà con thành lập HTX. Tháng 1/2019, Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao ra đời. Hợp tác xã có 20 hộ trồng bưởi đỏ với khoảng 2500 cây. Sản phẩm bưởi đỏ của Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Cây bưởi đỏ đã đem lại đời sống khấm khá cho bà con. Hiện giá bưởi được bán tại vườn với giá 90 đến 100 nghìn đồng/quả. Mỗi gốc bưởi cho nguồn thu từ 2 đến 3 triệu đồng, và khoảng 2 tỷ đồng/ha.
Sản phẩm bưởi Đông Cao được dán tem truy xuất nguồn gốc. Người mua hàng có thể dùng điện thoại thông minh quét mã để tra thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình trồng bưởi đỏ...Ngoài cung cấp bưởi quả bày mâm ngũ quả, Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao còn trồng những cây bưởi cảnh chơi tết; phối hợp với các cơ quan chức năng sưu tầm, tuyển chọn giống bưởi đỏ tốt để chiết ghép, cung cấp giống cho nông dân.
Mục tiêu của Hợp tác xã đến năm 2025 sẽ phát triển vùng trồng bưởi đỏ tập trung với diện và xây dựng đề án chế biến bưởi đỏ thành nước ép bưởi, tinh dầu bưởi, mứt vỏ bưởi… và phục vụ cho xuất khẩu.
Tết Nguyên Đán đang đến gần, bà con nơi đây đang hối hả thu hoạch, đóng gói để tiêu thụ. Khách đến mua hàng thời điểm này cũng rất đông vui, nhộn nhịp. Quả bưởi khi thu hái có thể giữ được màu sắc và hương thơm trong khoảng 3 tháng. Sản phẩm bưởi Đông Cao được người tiêu dùng ưa chuộng, chọn là sản vật trưng bày trên mâm ngũ quả và quà biếu ý nghĩa cho ngày Tết.
Ông Lương Văn Phương thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP Hà Nội: “Người nông dân tự phát chuyển đổi cây trồng, trong khi không được quy hoạch chặt chẽ hay nghiên cứu lựa chọn cây trồng phù hợp thì chỉ những người đầu tiên thu được “trái ngọt” khi may mắn được giá cao, còn lại đa số đều thua lỗ. Điều này, còn ảnh hưởng đến những sản phẩm đã được trồng bài bản trước đó, do bị lẫn lộn giữa sản phẩm chất lượng và sản phẩm kém chất lượng”.
|