Năm 2022: Chuyển mình cùng chuyển đổi số

  • 12/01/2023 06:21:12
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Có thể nói năm 2022 là năm chuyển mình cùng chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã và đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, giáo dục, du lịch, logistics, sản xuất,… mang tới nhiều diện mạo mới cho doanh nghiệp và góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Từ đưa gì làm nấy…

Năm 2022 là năm đầu tiên chuyển đổi số được đánh dấu trên “bản đồ lịch hằng năm” khi Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên các hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Theo đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, năm 2022, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số.

Theo thống kê năm 2000, ngành công nghệ thông tin chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP của cả nước, thua kém hẳn so với các ngành như nông nghiệp, thương mại,... Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với cuối năm 2021 và năm 2020. Với những thành tựu công nghệ đã đạt được, Việt Nam trở thành điểm sáng đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới như IBM, Intel, Microsoft, Samsung, Toshiba,... Bên cạnh đó, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong nước như Viettel, FPT, VNPT,... đã có những bước phát triển mạnh. Điều này đã đưa ngành công nghệ thông tin của nước ta có tên trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới, trở thành 1 trong những nước mạnh về công nghệ thông tin trong khu vực, trong đó dịch vụ phần mềm đứng số 1 trong 6 nước phát triển mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Để có được con số ấn tượng này, đã có không ít “đắng cay, ngọt bùi” mà các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số đã trải qua.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm Made by FPT tại sự kiện.

Đại diện cho “cánh chim đầu đàn” trên con đường toàn cầu hoá về chuyển đổi số,  Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ về những kỷ niệm của 20 năm trước: “20 năm trước FPT bước chân ra biển lớn, chúng tôi bắt đầu từ con số 0 - không thương hiệu, không tiền, không kinh nghiệm. Năm 1999, chúng tôi mở liên tiếp hai văn phòng ở Mỹ và Ấn Độ nhưng thất bại. Chúng tôi tiêu tốn hàng triệu USD trong 2 năm mà không có được hợp đồng nào. Các văn phòng lần lượt đóng cửa, rút toàn bộ nhân sự về nước. Thậm chí nghĩ đến việc giải tán trung tâm xuất khẩu phần mềm.

Năm 2000, chúng tôi bước chân và thị trường Nhật Bản. Nhưng cũng không có khởi đầu thuận lợi. Các khách hàng đều từ chối khéo vì chúng tôi không có nhân sự biết tiếng Nhật. Sau những thất bại liên tiếp, chúng tôi thành công tại thị trường Nhật Bản… Trong giai đoạn đầu ra nước ngoài, FPT chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách hàng, khách hàng đưa gì làm nấy”.

Thực trạng trên không chỉ xảy ra ở Tập đoàn FPT mà diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bởi khó khăn của thời điểm đó là việc tiếp cận công nghệ. Việt Nam đi sau thế giới về mặt công nghệ, chưa làm chủ được các công nghệ lõi của chuyển đổi số, các hệ thống nền tảng cơ bản. Chính vì vậy, chuyển đổi số tại Việt Nam thời điểm đó vẫn cơ bản sử dụng công nghệ sẵn có. Khó khăn thứ hai là vốn đầu tư. Vì thiếu vốn, nên nhiều doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, chuyển đổi số đòi hỏi trình độ rất cao về kỹ thuật và nhân lực để làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số và điều này cũng gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, Việt Nam đang dần chuyển mình thành nền kinh tế nơi mà không có sản phẩm nào không có yếu tố “số” ở bên trong, việc đầu tư cho chuyển đổi số liên tục gia tăng, đi đầu là ngành ngân hàng và bán lẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại trong chuyển đổi số cũng lên tới 36%, kể cả với doanh nghiệp lớn, nếu đầu tư thiếu định hướng và tính phù hợp.

… đến vượt qua nhiều đối thủ tên tuổi

Từ giai đoạn chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách hàng, khách hàng đưa gì làm nấy, năm 2022 đã ghi dấu ấn các dự án chuyển đổi số tầm cỡ, các giải pháp “Make in Việt Nam” được “may đo riêng” phù hợp với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới khắp 5 châu đã ra đời. Nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam như FPT, Viettel… đã vượt qua những đối thủ tên tuổi ở Trung Quốc, Ấn Độ… Kết quả này phản ánh quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng và toàn diện, tới từng ngóc ngách của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho rằng, chuyển đổi số đã giúp Rạng Đông có năng lực thích ứng với kỷ nguyên số, mở rộng không gian tăng trưởng, có cơ hội tham gia mô hình đa kênh, kinh tế nền tảng, nhờ đó tăng trưởng cấp số nhân, mở ra không gian kinh doanh. Chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ tự động hóa, số hóa, nâng cao năng lực điều hành thị trường theo thời gian thực. Nâng cao năng lực điều hành thị trường theo thời gian thực là yếu tố rất quan trọng. Chuyển đổi số giúp Rạng Đông rút ngắn thời gian đưa một sản phẩm ra thị trường… Mục tiêu đến 2025, chúng tôi sẽ trở thành doanh nghiệp dẫn dắt thị trường ngành chiếu sáng, năm 2030 trở thành đơn vị tầm cỡ châu lục và quốc tế.

Không gian sảnh trình chiếu ánh sáng trước chào đón khách mời trước khi bước vào khu vực triển lãm

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT kể về việc FPT thâm nhập thị trường Châu Âu thông qua một hãng sản xuất truyền thống trong ngành công nghiệp ôtô tại Đức với 77 nhà máy trên toàn cầu. Nhà máy đầu tiên triển khai và phát triển các giải pháp nhà máy thông minh giúp tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất, logistics cũng như vận hành, từ đó giảm khí thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng, chính là nhà máy tại Việt Nam. “Sau 3 năm triển khai, đây là nhà máy hiện đại nhất của họ trên toàn cầu và dự kiến sẽ đóng cửa một số nhà máy ở khu vực châu Âu để tập trung đầu tư, mở rộng quy mô cho nhà máy tại Việt Nam. Một ví dụ khác, chúng tôi cũng đang cùng các công ty năng lượng của châu Âu - nơi đang phát triển nhất về năng lượng tái tạo -  triển khai các giải pháp công nghệ quản lý điện gió tối ưu hóa hoạt động, bảo trì cho các trang trại năng lượng gió. Giải pháp của FPT đang được các công ty ở cả châu Âu lẫn Mỹ sử dụng. Trong lĩnh vực xe ôtô điện, một trong những việc quan trọng của ngành này là việc đặt các trạm sạc trên đường. FPT đang hỗ trợ phát triển các phần mềm quản lý hệ thống trạm sạc, các phần mềm nhúng chạy trên trạm sạc giải quyết vấn đề tối ưu quản lý, tiêu thụ năng lượng điện”, ông Khoa tự hào chia sẻ.

Khu vực gian hàng trình diễn Robot nâng hàng NEXT AMR

Ngày 10/9/2022, VinFast chính thức xuất xưởng lô xe điện VF8 đầu tiên tới tay người dùng Việt, rất nhiều hãng tin lớn trên thế giới như Reuters, Nikkei Asia và các chuyên trang về xe nổi tiếng đồng loạt hướng sự chú ý tới Việt Nam. Mẫu xe điện toàn cầu của VinFast với chất lượng và tính năng thông minh vượt trội đã gây ấn tượng mạnh, khẳng định một bước tiến vượt bậc của công nghệ Việt Nam.

Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa khẳng định, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành công nghệ thông tin, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Chúng ta cần có một cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao hơn nữa giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo dự báo mới nhất về các xu hướng công nghệ nổi bật trong năm 2023, hãng nghiên cứu hàng đầu thế giới Gartner kỳ vọng các xu hướng công nghệ nổi bật trong đó có AI, Cloud, Metaverse…. sẽ tạo ra xung lực mới cho chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong ba năm tới nhờ khả năng tối ưu hóa khả năng phục hồi, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiên phong triển khai các mô hình kinh doanh mới,….

Đó là những gì chúng ta có được sau 20 năm. Kỳ vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ viết tiếp những kỳ tích trên con đường công nghệ, từ đó tạo ra một quốc gia tự lập, tự cường và thịnh vượng.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận