Thiếu minh bạch, thiếu tôn trọng khách hàng?
Những ngày qua, nhiều tài xế đi trên các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý khai thác bất ngờ và bức xúc vì phải trả phí cao hơn.
Anh Mai Ngọc Hưng, Hà Đông, Hà Nội cho biết, ngày 31/12/2022, anh lái xe 7 chỗ trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình và thấy phần mềm thu phí tự động (ETC) thông báo hết 103.000 đồng, gồm 8% thuế VAT. Tuy nhiên, ngày 1/1, anh trở về Hà Nội, cũng với hành trình trên, mức phí anh bị trừ là 110.000 đồng. Trong khi đó, nếu với thuế VAT 10%, tổng tiền anh phải trả khi đi hết 2 tuyến cao tốc này là 105.000 đồng, như vậy số tiền anh phải trả vượt là 5000 đồng/lượt. Anh Hưng cho biết, anh thường xuyên đi trên cao tốc này nên rất ngạc nhiên, không hiểu lý do gì phải trả 110.000 đồng tiền phí, tăng 5.000 đồng/lượt.
Tương tự anh Lê Văn Nam cho biết, anh thường xuyên đi từ Hà Nội - Yên Bái, trước đây khi chưa giảm VAT là 170.000 đồng/lượt. Sau khi giảm VAT xuống 8% là 167.000 đồng/lượt thì từ ngày 1/10/2023 phí là 172.000 đồng/lượt.
Còn tuyến Vĩnh Yên xuống Hà Nội trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai lối ra Bình Xuyên (IC-3), theo một số lái xe, trước khi điều chỉnh VAT thu phí 20.000 đồng/lượt. Sau khi hạ mức VAT thì thu 19.000 đồng/lượt (giảm 1.000 đồng/lượt) nay VAT áp dụng mức thu cũ (10%) thì giá thu hiện nay lại là 22.000 đồng/lượt.
Theo các lái xe tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giá vé 100.000 đồng toàn tuyến (thuế VAT 10%). Đầu năm 2022 khi VAT về lại 8%, giá phí giảm còn 98.000 đồng/xe. Nhưng từ 1/1/2023, khi VAT điều chỉnh lại từ 8% lên 10%, giá thu phí trên tuyến này đã tăng lên thành 102.000 đồng.
Nhiều tài xế bức xúc chia sẻ, thật ra số tiền không đáng là bao (chênh 2.000 - 5.000đ/lượt so với trước khi giảm thuế VAT) nhưng việc VEC tự ý thu thêm như vậy khiến họ cảm thấy đây là cách làm áp đặt của VEC đối với các chủ phương tiện. “Và trước khi tăng phí VEC không hề có thông báo. Số tiền tuy không lớn nhưng thể hiện sự thiếu minh bạch, thiếu tôn trọng khách hàng của VEC”, anh Hưng nói.
Trái ngược với quan điểm của anh Hưng, anh Nam lại cho rằng, số tiền tuy nhỏ nhưng lưu lượng xe rất lớn nên số tiền mà VEC thu chênh này không nhỏ. “Dù số tiền tăng thêm chỉ vài nghìn đồng nhưng với lượng xe lưu thông rất lớn như hiện nay thì số tiền này là rất lớn.Việc VEC tăng giá đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền chưa hay đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chưa?”, anh Nam đặt câu hỏi.
"Đút túi" thêm bao nhiêu tiền mỗi năm?
Để có câu trả lời khách quan, Báo TNVN (VOV), đã liên hệ với VEC. Đại diện VEC cho biết, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, thuế giá trị gia tăng cho một số lĩnh vực được điều chỉnh từ 10% xuống 8%, áp dụng từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Đến nay, chính sách nêu trên đã hết hiệu lực. Do đó, thuế giá trị gia tăng đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên cả nước quay trở lại mức 10%.
Từ ngày 1/8/2022, hệ thống thu phí không dừng đã đưa vào sử dụng toàn bộ trên các tuyến đường cao tốc, các giao dịch được trừ tự động trên tài khoản khách hàng tham gia giao thông, không phụ thuộc vào các mệnh giá như khi thu tiền mặt trước đây, VEC chỉ thực hiện làm tròn các mệnh giá cước phí đến hàng nghìn đồng. Việc thay đổi về nguyên tắc tính trên, dẫn đến có một số thay đổi nhỏ giữa giá niêm yết trước đây và giá hiện tại. Do đó, biểu phí áp dụng từ ngày 01/01/2023 là mức giá khi không còn áp dụng chính sách giảm thuế VAT và làm tròn mệnh giá khi thay đổi công nghệ thu phí.
Việc điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ đã được đơn vị cung cấp dịch vụ niêm yết tại các trạm thu phí và thông báo công khai trên website của VEC.
Đối với câu hỏi, việc VEC tăng giá đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền chưa hay đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chưa? Đại diện VEC cho hay, “thẩm quyền xác định và ban hành mức giá được VEC thực hiện theo Quyết định số 1202/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm một số cơ chế chính sách áp dụng cho các dự án đầu tư, khai thác đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư: tại khoản 4, Điều 2 quy định “VEC quyết định mức thu phí đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, đảm bảo yêu cầu hoàn vốn của dự án…”. Hiện nay, mức giá đối với toàn bộ các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác không vượt mức giá tối đa quy định tại Thông tư 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Trả lời câu hỏi, theo nhẩm tính, dù số tiền tăng thêm chỉ vài nghìn đồng nhưng với lượng xe lưu thông rất lớn như hiện nay thì số tiền này là rất lớn, ý kiến của VEC về vấn đề này thì đại diện VEC cho hay: “Giai đoạn trước đây chưa áp dụng thu phí không dừng, chủ phương tiện trả phí bằng tiền mặt. Để phù hợp với các mệnh giá tiền lẻ đang được lưu thông trên thị trường, đồng thời thuận lợi cho việc thực hiện giao dịch (giảm thời gian dừng chờ tại trạm, chống ùn tắc do không phải thu gom lượng tiền lẻ rất lớn để trả lại cho các chủ phương tiện…), VEC đã tính toán giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc trên nguyên tắc làm tròn các mệnh giá cước phí, phần lớn đều giảm so với giá trị thực được tính toán theo hướng có lợi cho người tham gia giao thông. Ví dụ: Dự án Cầu giẽ Ninh Bình: xe loại 2 chặng Đại Xuyên - Liêm Tuyền tính toán 62.100 đồng nhưng giá niêm yết là 60.000 đồng, Đại Xuyên - Cao Bồ xe loại 1 theo tính toán là 75.045 đồng nhưng giá niêm yết là 70.000 đồng, xe loại 2 là 112.568 đồng nhưng giá niêm yết là 100.000 đồng; Dự án TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây: xe loại 2 chặng Long Phước - Dầu Giây tính toán 152.949 đồng nhưng giá niêm yết là 150.000 đồng; Dự án Nội Bài - Lào Cai: xe loại 1 chặng IC3 - Trạm Km237 theo tính toán 284.225 đồng nhưng giá niêm yết là 280.000 đồng...)”, mà không đưa ra con số cụ thể thu được do tăng phí.
Ngoài ra, VEC cho rằng mình đã có hành động cụ thể chia sẻ với những khó khăn của người tham gia giao thông là sau khoảng 10 năm kể từ khi các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, VEC chưa thực hiện tăng phí theo lộ trình đã được xác định trong phương án tài chính (3 năm/lần). “Đây cũng là hành động cụ thể chia sẻ với những khó khăn của người tham gia giao thông, mặc dù việc không tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ gây áp lực và ảnh hưởng rất lớn đến phương án tài chính, công tác duy tu, bảo trì và phát triển các dự án mới của VEC”, đại diện VEC khẳng định.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có hơn 20 nhà đầu tư BOT và 113 trạm thu phí trên toàn quốc. Mặc dù đều chịu tác động của dịch bệnh, song chỉ có VEC tăng phí còn các đơn vị khác vẫn giữ nguyên mức phí, tức là chỉ tăng đúng 2% VAT về lại 10% mức phí ban đầu.
Trong khi đó, theo công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của VEC, tổng lưu lượng xe trên 4 tuyến cao tốc do DN này quản lý khai thác đạt khoảng 53,2 triệu lượt, tăng 41,1% so với năm 2021. Theo đó, tổng doanh thu thu phí ước đạt 4.442,7 tỷ đồng, tăng 36,1% so với năm 2021 (đã bao gồm VAT). Nếu tính bình quân với lưu lượng xe khoảng 53 triệu lượt/năm, với mức phí tự ý tăng thêm từ 2.000 - 5.000 đồng/lượt. VEC sẽ “đút túi” thêm mỗi năm thêm bao nhiêu tiền là câu hỏi đang được dư luận đặt ra.