Là xã có trên 42% dân cư là người dân tộc thiểu số, dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) vẫn vươn lên làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất nông sản theo đơn đặt hàng, kinh tế của người dân ngày càng khấm khá.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ấm áp và đầy đủ tiện nghi, ông Kră Jăn Ha Sung, ở thôn R’Chai, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) vui mừng cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi, giá cả và đầu ra ổn định nên vụ chanh dây vừa qua giúp gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng. Cộng với nguồn thu nhập từ 2 ha cà phê, 4 sào rau màu các loại trồng xen theo hướng đa canh, gia đình không chỉ nhanh chóng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, mà còn tích lũy được một khoản tiền kha khá để mở rộng quy mô sản xuất.
Theo ông Kră Jăn Ha Sung, kết quả này là nhờ vào việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, HTX tại địa phương. Kinh tế ổn định, thu nhập tăng cao nên tết này gia đình tổ chức vui xuân, đón chào năm mới đầy đủ và no ấm cùng buôn làng.
“Tính từ sau dịch Covid-19 đến nay, gia đình tôi canh tác mác mác xen ớt nên thu nhập rất ổn định, kinh tế có khá hơn. Trước đó, ngay cả trong năm 2021 tuy có dịch bệnh phúc tạp nhưng thu nhập vẫn đảm bảo. Hiện nguồn thu từ mác mác, ớt vẫn duy trì, đầu ra ổn định mà giá cả cũng bán được khá cao. Kinh tế gia đình ngày càng được ổn định hơn rất nhiều so với các năm trước” - ông Kră Jăn Ha Sung chia sẻ.
Mô hình liên kết sản xuất hiệu quả của người dân.
Mô hình sản xuất rau, hoa, củ, quả theo đơn đặt hàng, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất đang lan tỏa trong cộng đồng người dân tộc thiểu số K’ho ở Phú Hội. Hiện xã đã có gần 900 hộ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp, HTX, trong đó có gần 300 hộ người dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, bà con tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nói về sự thay đổi của buôn làng mình, chị K’Hoan, người K’ho ở buôn Chi Rông, xã Phú Hội, kể: “Mấy năm gần đây được nhà nước quan tâm hỗ trợ, mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cấy ghép cà phê, sản xuất rau màu… Bà con đã áp dụng vào sản xuất của bản thân gia đình, nhờ đó nên kinh tế gia đình càng ngày càng phát triển hơn”.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội, nhờ mạnh dạn thay đổi tư duy canh tác, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của xã đã đạt trên 270 triệu đồng/ha/năm. Toàn xã số hộ nghèo giảm hiện chỉ còn chưa đầy 1%.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2023, cấp ủy và chính quyền xã Phú Hội sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, sản lượng và giá trị hàng hóa nông sản. Trọng tâm là tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị thông qua phát triển kinh tế tập thể, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên bố trí đất sản xuất, tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế hộ gia đình. Chúng tôi làm cầu nối trung gian để người dân tiếp xúc, gặp gỡ với các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX để người ta tìm hiểu, học hỏi từ các mô hình, học hỏi các phương thức sản xuất gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó có hướng thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích, tăng nguồn thu nhập của bà con ngày càng cao” - ông Nguyễn Thành Trung nói.
Phú Hội hiện có 6.700 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, trong đó có 3.680 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đây là điều kiện quan trọng để xã tiếp tục mở rộng thêm nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp, ổn định đầu ra nông sản, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân./.
Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên