Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân.
Theo đó, thông tư hướng dẫn các hoạt động mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là tổ chức cho mục đích chuyển tiền một chiều, hoạt động mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam cho các mục đích chuyển tiền một chiều, hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác. Các giao dịch chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam để được phép có quốc tịch hoặc định cư ở nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
Thông tư quy định, các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều của tổ chức là các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ. Trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác như trả thưởng cho người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tham gia các chương trình, cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Nguồn ngoại tệ chuyển, mang ra nước ngoài bao gồm ngoại tệ trên tài khoản thanh toán; tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ; ngoại tệ mua của ngân hàng được phép. Mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài căn cứ vào số tiền ghi trên giấy tờ, chứng từ có liên quan, nhưng tối đa không vượt quá 50.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương 1 lần chuyển tiền.
Để mua ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài, tổ chức có nhu cầu thực hiện theo hướng dẫn của ngân hàng được phép; trường hợp người cư trú là tổ chức mua ngoại tệ của ngân hàng được phép để mang ra nước ngoài cho các mục đích tài trợ, viện trợ với mức phải khai báo hải quan, ngân hàng được phép cấp giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài theo quy định về mang ngoại tệ tiền mặt khi xuất cảnh, nhập cảnh.
Thông tư 20 cũng hướng dẫn người cư trú là công dân Việt Nam mua ngoại tệ của ngân hàng được phép để mang ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền 1 chiều với mức phải khai báo hải quan, ngân hàng được phép cấp Giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài theo quy định về mang ngoại tệ tiền mặt khi xuất cảnh, nhập cảnh.
Người cư trú là công dân Việt Nam có nhu cầu ngoại tệ tiền mặt để mang ra nước ngoài cho các mục đích học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch, thăm viếng được mua loại ngoại tệ là đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến tại ngân hàng được phép. Trường hợp không có đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến, ngân hàng được phép thực hiện bán ngoại tệ tự do chuyển đổi khác.
Các ngân hàng được phép quyết định mức ngoại tệ mua, chuyển trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và phù hợp với mục đích hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống của người được trợ cấp ở nước ngoài. Mức ngoại tệ mua, chuyển cho một người được hưởng trợ cấp ở nước ngoài trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người được trợ cấp đang sinh sống.
Thông tư cũng quy định tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho ngân hàng được phép; không được sử dụng một bộ hồ sơ chứng từ để mua, chuyển, mang ngoại tệ vượt quá số tiền ghi trên giấy tờ, chứng từ có liên quan, các mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài quy định tại thông tư này tại 1 hoặc nhiều ngân hàng được phép.
Sử dụng ngoại tệ tiền mặt mua tại ngân hàng được phép đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật; không được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2023./.
PV/VOV.VN