Xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp thêm chồng chất nỗi lo?

Xăng dầu tiếp tục tăng giá trong đầu năm 2023, điều này khiến không ít doanh nghiệp lo lắng vì chi phí kinh doanh tăng mạnh, giảm tính cạnh tranh.

 

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp buộc phải lên phương án để thích ứng với tình hình sản xuất kinh doanh sau Tết Nguyên đán 2023.

Áp lực từ giá xăng dầu

Thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đã tăng trở lại từ đầu năm 2023, thêm vào đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 30/1 của Liên bộ Tài chính – Bộ Công Thương. Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng thêm 993 đồng/lít, lên 23.147 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng thêm 977 đồng, có giá mới 22.329 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng giá. Mỗi lít dầu diesel tăng thêm 890 đồng/lít, lên 22.524 đồng, dầu hoả là 22.576 đồng (tăng 767 đồng/lít) và dầu mazut là 13.934 đồng/kg, tăng thêm 568 đồng/lít.

Ngay sau phiên điều chỉnh giá, nhiều doanh nghiệp đã phải “cấp tập” điều chỉnh lại tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là điều tiết giá thành phù hợp với từng hợp đồng.

Theo ông Lê Thành Thảo, Trưởng phòng tổ chức - pháp chế Công Ty Cổ phần vận tải Quang Châu TP.HCM, doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh linh hoạt để duy trì hoạt động của hơn 200 phương tiện vận tải, container và hơn 180 tài xế, chủ yếu là để duy trì hoạt động doanh nghiệp và đảm bảo đời sống cho tài xế. Giá xăng tăng nhưng việc điều chỉnh cước phí cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi lượng hàng sau Tết giảm, đơn vị sản xuất có nhiều lựa chọn đơn vị vận tải có cước phí cạnh tranh.

Trong những ngày tới, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa tập trung khai thác thêm các khách hàng mới từ những nước bạn, như: Campuchia, Lào… Nhưng xăng dầu tăng giá cũng hạn chế rất nhiều sự cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải Việt Nam.

“Thật sự giờ chạy không có lời, hàng hóa không có mà cước thì không tăng lên được… Chẳng hạn mình không thể cạnh tranh khi nhận hàng liên vận sang Campuchia. Bên mình chi phí hải quan cao, mỗi lần mở thủ tục tốn 1 đến 2 triệu đồng, chi phí này tính vào cước nên khó có thể trúng thầu. Một mặt giá xăng dầu liên tục tăng nên doanh nghiệp giờ cũng chỉ cầm chừng nuôi quân, chứ vẫn chưa dám đầu tư phát triển mạnh”, ông Thảo than thở.

Nhiều doanh nghiệp vận tải chủ yếu vận hành để duy trì hoạt động và chăm lo đời sống cho tài xế (Ảnh: Nguyễn Quang).Cùng mục tiêu hài hòa về lợi nhuận

Thời gian qua, hoạt động sản xuất nông sản lại phải gánh chịu tiếp những đợt tăng giá vật tư nông nghiệp và nguyên nhiên liệu đầu vào. Việc giá vật tư nông nghiệp, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng nguyên nhân liên quan chủ yếu đến sự biến động của giá xăng dầu. Cũng chính bởi vậy, các doanh nghiệp tiếp tục phải căng mình giải bài toán bình ổn giá cả hàng hóa.

Ông Nguyễn Viết Vị - Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện, tỉnh Bình Phước chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đơn vị vẫn đang cố gắng duy trì hơn 1.000 ha diện tích chuyên canh mít ruột đỏ và một số trái cây khác bằng phương án giữ đơn hàng, nhất là các đơn hàng xuất khẩu. Hợp tác xã cố gắng linh hoạt hết sức để vận hành hệ thống trang trại, giảm tối đa chi phí đầu vào bằng việc thay đổi rất nhiều phương thức sản xuất. Hợp tác xã cũng đang hiệp thương trực tiếp với các hãng vận tải nhằm duy trì sự ổn định giá thành cho mặt hàng nông sản.

“Chi phí vận chuyển logistics thì về cơ bản đã tăng từ năm ngoái so với thời điểm năm ngoái thì cũng đã thấp hơn. Trong khâu sản xuất, vận chuyển thì đối với HTX cũng như các thành viên thì cảm thấy cũng hài hòa. Đối với HTX cũng có định hướng rõ ràng, thứ nhất là mình định vị lại sản phẩm, chất lượng. Thứ hai nữa là không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Hiện cũng chỉ mong muốn là đủ chi phí, có một chút thu nhập đạt mức trung bình”, ông Nguyễn Viết Vị cho biết thêm./.

Nguyễn Quang/VOV-TPHCM
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận