Không quy định mức chiết khấu là can thiệp nửa vời vào thị trường xăng dầu

DN bán lẻ xăng dầu cho rằng, họ đang bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, quan hệ giao dịch ở vào thế bất lợi.

 

Trong Dự thảo lần 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có đề xuất liên quan đến chiết khấu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tại Dự thảo, cơ quan soạn thảo (Bộ Công Thương) đã đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu, để các DN chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp với biến động cung cầu của thị trường trong từng thời điểm; Phương án 2 quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương cho rằng, Phương án 2 sẽ bảo đảm lợi ích và được sự ủng hộ của các đại lý bán lẻ xăng dầu, là căn cứ để các đại lý bán lẻ xăng dầu yêu cầu các đơn vị cấp hàng duy trì chiết khấu cho khâu bán lẻ. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích của các DN kinh doanh xăng dầu, phải đưa mức chiết khấu cho từng khâu của hệ thống phân phối xăng dầu sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán xăng dầu giữa các DN. Bên cạnh đó, để bảo đảm giá cơ sở mặt hàng xăng dầu phản ánh đủ các chi phí phát sinh cần đưa mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu này vào chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, việc này làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng xăng dầu.

Đặc biệt khi hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, không có sự chia sẻ giữa các khâu trong hệ thống phân phối xăng dầu, các khó khăn sẽ dồn hết lên DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, do đó ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung xăng dầu trong nước.

Do vậy trong Dự thảo sửa đổi này, Bộ Công Thương lựa chọn Phương án 1 để có sự chia sẻ khó khăn giữa các đại lý với các đơn vị cấp xăng dầu. Trường hợp nhằm bảo đảm lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký kết hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại) các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.

Nhận xét về quy định mức chiết khấu đối với các DN trong hệ thống phân phối xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng là cơ quan điều hành tạo được hành lang pháp lý an toàn, chống các rủi ro, trục lợi, bảo đảm cạnh tranh công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Không nên can thiệp quá nhiều vào cơ chế giá vì như vậy sẽ tạo ra cơ chế xin - cho trong quản lý xăng dầu.

Cùng với đó, nhiều DN bán lẻ xăng dầu cho rằng, họ đang bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, quan hệ giao dịch ở vào thế bất lợi. Chưa kể, các chi phí phát sinh, DN còn phải chịu trách nhiệm rủi ro pháp lý, không thể bảo toàn nguồn vốn, lợi nhuận để bán hàng…

Bởi qua thực tế ở một số thời điểm trong năm 2022, nhiều DN đã phải đóng cửa nghỉ bán hàng cũng vì không có chiết khẩu hoặc mức chiết khấu quá thấp. Trong khi vốn đầu tư cho hệ thống bán lẻ của các DN kinh doanh xăng dầu là không hề nhỏ, với mức chiết khấu không được quy định, bị thả nổi sẽ gây khó khăn rất lớn cho DN bán lẻ mỗi khi thị trường xăng dầu có biến động về nguồn cung.

Chính vì thế trong đơn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ mới đây, đại diện các DN bán lẻ xăng dầu kiến nghị cơ quan điều hành ghi nhận mức chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các DN. Đồng thời, các DN kiến nghị cần có quy định về mức chiết khấu cố định cho đại lý bán lẻ ở mức phù hợp.

Đánh giá về mức chiết khấu trong bán lẻ xăng dầu, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) mới đây cũng góp ý nêu rõ, thời gian vừa qua, nhiều DN bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.

VCCI cho rằng, Nhà nước không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu chỉ khi để cung cầu thị trường tự quyết định giá.VCCI chỉ rõ, trong trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng, các DN trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh. Trong khi Nhà nước yêu cầu các DN buộc phải kinh doanh để cung cấp xăng dầu cho nền kinh tế, nhưng khoản âm chi phí lớn hơn giá bán này chắc chắn sẽ do một chủ thể nào đó trong chuỗi cung ứng gánh chịu.

Theo VCCI, với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào DN bán lẻ, bởi DN bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu, nên nhiều DN kiến nghị với VCCI để kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương là phải quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ.

“Bộ Công Thương lựa chọn Phương án 1 với lý do đây là quan hệ dân sự, giành quyền chủ động cho các DN nhưng cần thấy rõ rằng, với cách thức này Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời. Một mặt, Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu, hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của DN bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán. Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách này đã gây ra những hệ quả như đã phân tích”, VCCI chỉ rõ.

Với những phân tích trên, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định: Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá xăng dầu, để cung cầu thị trường quyết định giá sẽ không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Còn trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ xăng dầu, cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận