Kể từ khi thương trường xuất hiện hình thức giao thương online, đặc biệt là giao thương online xuyên biên giới, đây là vấn đề gây tranh cãi nhiều, nên không khó hiểu khi động thái nộp thuế hàng nghìn tỷ đồng của Facebook, Google, Apple được quan tâm.
Vấn đề tiếp theo, làm thế nào để việc kê khai và nộp thuế trở thành thường xuyên-định kỳ, minh bạch - là nghĩa vụ, là trách nhiệm của mọi tổ chức, doanh nghiệp khi giao thương online, giống như nhiều hoạt động kinh doanh chịu thuế khác?
Người người bán hàng online, nhà nhà bán hàng online - thương mại điện tử đã không còn xa lạ trong đời sống hiện đại. Giai đoạn kinh tế-xã hội chịu tác động đa chiều từ đại dịch Covid-19, hoạt động này càng gia tăng-nổi trội, ở mọi lĩnh vực ngành nghề và trên khắp các vùng, miền đất nước - giúp phổ cập xu hướng tiêu dùng thông minh, tạo nền tảng cho kinh tế số Việt Nam.
Đến nay, sau một thời gian “tạo điều kiện tối đa cho thương mại điện tử phát triển”, cơ quan chức năng bắt đầu có nhiều chương trình hành động mang tính điều phối để hoạt động này ngành càng hữu ích hơn, đặc biệt là đóng góp các nghĩa vụ tài chính tương tự các hoạt động kinh tế khác. Sự ra đời của Thông tư 40/2021 thuộc Bộ Tài chính, sau đó được điều chỉnh sửa đổi nhiều lần là ví dụ điển hình cho vấn đề này, khi quy định các các cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải đăng ký, kê khai thuế đầy đủ, còn các sàn có trách nhiệm cung cấp thông tin các cá nhân, doanh nghiệp diện này cho cơ quan Thuế.
Việc quy định yêu cầu những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường điện tử phải thực hiện nghĩa vụ thuế như những phương thức kinh doanh khác, theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Chuyên gia pháp luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và ông Đoàn Quốc Tâm – Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cùng rất nhiều chuyên gia khác, “là phù hợp với chủ trương của Nhà nước về quản lý thuế”, nhưng cũng cần có một giai đoạn chuyển tiếp với những quy định, tập huấn và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp để không tạo gánh nặng lên môi trường kinh doanh còn khá mới mẻ này.
Và bước “chuyển tiếp” đang được cơ quan chức năng triển khai là các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua các sàn, cho cơ quan Thuế, thông qua hình thức trực tuyến.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương phân tích: “Chúng tôi nhận được ý kiến của các doanh nghiệp trong lĩnh vực. Họ cũng mong muốn phân định trách nhiệm, giới hạn phạm vi trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong việc kê khai nộp thuế. Các sàn phải cung cấp thông tin là bước trung gian trước khi các sàn phải thực hiện trách nhiệm nặng hơn là kê khai và nộp thuế. Việc cung cấp thông tin cũng hợp lý bởi vì họ nắm giữ, quản lý và họ thu thập thông tin của những người bán và họ sẽ cung cấp thông tin ở mức độ trực tiếp và cụ thể nhất, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, cũng như yêu cầu về bảo mật thông tin”.
Đó là hoạt động thu thuế thương mại điện tử thông thường. Thương mại điện tử xuyên biên giới có sự hỗ trợ của các nhà cung cấp nền tảng số đặt trụ sở tại nước ngoài mới là vấn đề khó khăn, nan giải.
Để thuận tiện trong hoạt động này, cuối năm 2022 vừa qua, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã kích hoạt Cổng thông tin thương mại điện tử. Cổng thông tin này không chỉ tiếp nhận dữ liệu từ các sàn mà còn trực tiếp nhận dữ liệu từ các tổ chức, cá nhân chủ động khai báo và nộp thuế.
Tính đến cuối tháng 1 vừa qua, đã có 45 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công, bao gồm Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple … tổng số thuế đã kê khai, nộp thuế lên tới gần 3.450 tỷ đồng. Số thu phát sinh trong tháng 1 ước đạt 1.825 tỉ đồng.
Với các chuyên gia như ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng cục thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, “điều này thể hiện sự nghiêm túc trong hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp nước ngoài khi hoạt động thương mại điện tử nói riêng, kinh doanh trên nền tảng số nói chung, trên lãnh thổ Việt Nam; cũng là tín hiệu vô cùng tích cực cho hoạt động khai báo và thu thuế đối với thương mại điện tử".
“Phải đánh giá một cách công bằng là chúng ta đã có những bước tiếp cận rất sớm để có thể thu thuế các nhà kinh doanh nước ngoài… Tuy nhiên, phải đến các Thông tư thì chúng ta mới có đủ điều kiện để thực hiện thu thuế các trường hợp này và tôi cho rằng số thuế này đã thể hiện được là chúng ta bước đầu đã thu thuế được đối với các nhà kinh doanh nước ngoài. Đây là cố gắng rất lớn của ngành thuế” - ông Nguyễn Văn Phụng nhận xét.
Hàng nghìn tỷ đồng thuế thu được, đúng là cố gắng lớn của ngành thuế. Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động thương mại điện tử nói chung, thời gian qua, gần hơn là trong năm 2022 vừa qua, với quy mô bán lẻ ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm; và Việt Nam được Emarketer - một trong những doanh nghiệp cung cấp giải pháp tiếp thị kỹ thuật số hàng đầu thế giới đánh giá, xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử mạnh nhất toàn cầu… thì xem ra số thuế đã nộp vào ngân sách chưa tương xứng với thực tiễn và tiềm năng phát triển toàn ngành.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng hoạt động thuế, đây còn là bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, là sự minh bạch trong hoạt động đầu tư và thu hút đầu tư… cần sự quan tâm nhiều hơn của Chính phủ - cần những giải pháp tổng thể, được thực hiện hiệu quả, và luôn cần sự hợp tác từ chính các cá nhân, tổ chức đang giao thương, lợi nhuận từ hoạt động này./.
Theo VOV.VN