Sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, nhất là sang thị trường Nhật Bản đang phải đối mặt với những vướng mắc về vốn, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, bảo hộ về giống… Những vấn đề này rất cần sự vào cuộc của các đơn vị có liên quan để giúp nông dân, nhà sản xuất bớt khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Doanh nghiệp chật vật tìm vốn, giữ đơn hàng
Những ngày qua, tình trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó khăn xảy ra khá phổ biến. Đặc biệt, nguồn vốn để thu mua nguyên liệu, đóng gói bao bì, khiến nhiều đơn vị xuất khẩu “đau đầu”. Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty Tam Nguyen Fruit, tỉnh Tây Ninh cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán, công ty tiếp tục có đơn xuất khẩu 4 container mãng cầu, đậu bắp, ớt… đóng gói sang thị trường Malaysia và Nhật Bản. Sau khi “tất tả” huy động được nguồn vốn để thu mua nguyên liệu thì công ty này buộc phải tìm kiếm nguồn tín dụng khác bên ngoài ngân hàng để mua bao bì, thực hiện các công đoạn đóng gói.
“Do đối tác chỉ đặt cọc 30% giá trị đơn hàng, còn lại 70% mà số lượng hàng lớn không xoay sở được. Tạm thời công ty xin đối tác dời đơn hàng lại. Phương án bây giờ là xin khách hàng dời một tháng, đang đi vay tín dụng bên ngoài để bổ sung vốn mua nguyên liệu, vốn đối ứng cho khách hang”, ông Nguyễn Văn Quý nói.
Sau Tết, nhiều thị trường nước ngoài, trong đó có Nhật Bản tiếp tục siết chặt các quy trình giám sát chất lượng hàng hóa. Ngoài nông sản trái cây, rau củ quả đóng gói thì các mặt hàng gia vị như: hành, tỏi, ớt của Việt Nam… cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều quốc gia truyền thống lâu đời về xuất nhập khẩu gia vị, như: Ấn Độ, Malaysia, Indonesia…
Bà Tạ Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hato - TP.HCM cho biết, mặc dù nhu cầu từ phía đối tác rất lớn, chuộng sản phẩm gia vị được đóng gói từ Việt Nam, song vấn đề an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng được thực hiện chặt chẽ. Để thâm nhập được các thị trường này, doanh nghiệp Việt phải đầu tư lớn về thời gian, quy trình sản xuất theo đúng yêu cầu.
“Phía Nhật chấp nhận thực phẩm Việt Nam qua đó, nhưng họ tìm hiểu rất kỹ. Bản thân công ty tôi vẫn nhắm thêm đến nhiều ở thị trường Đông Nam Á, vì đây là thị trường lớn. Như ở Philippines, bây giờ giá hành tăng gấp ba lần, công ty đã gửi mẫu sang Philippines, chưa biết kết quả như thế nào”, bà Tạ Thanh Thủy cho biết.
"Lùm xùm" bản quyền thanh long LD1
Việc Nhật Bản thực thi quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) đã khiến nhiều nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long gặp khó khăn. Theo bà Watanabe Masumi, Giám đốc Công ty Yasaka, một đơn vị xuất khẩu thanh long sang thị trường Nhật Bản ở Việt Nam, những năm qua, công ty thu mua thanh long ở Long An, Tiền Giang, Bình Thuận. Số lượng hộ nông dân cung cấp thanh long cho công ty rất lớn. Hiện công ty có 5 mã vùng trồng thanh long với diện tích hơn 300ha. Tuy nhiên, việc bảo hộ giống LD1 này khiến công ty thất bại trong việc đưa hơn 70 tấn thanh long sang thị trường Nhật, thiệt hại hơn 190.000 USD.
Trong tháng 2 này, Yasaka tiếp tục có nguy cơ thiệt hại khoảng 200.000 USD nếu không xuất được thanh long sang Nhật Bản. Đồng nghĩa với việc nhiều vườn thanh long có nguy cơ dư thừa. Bà Watanabe Masumi cho biết, ở Nhật Bản, việc bảo hộ giống do đơn vị nhà nước quản lý. Tuy nhiên, hiện nay giống thanh long LD1 tại Việt Nam đang được một đơn vị tư nhân bảo hộ. Điều này khiến nhà sản xuất lẫn đơn vị xuất khẩu bị phụ thuộc, dẫn đến giá bán thực tế tăng, từ 2,5 USD/kg lên 3,5 USD/kg. Tình trạng này khiến xuất khẩu bị động, nhà nhập khẩu từ Nhật Bản cũng bức xúc.
Vừa qua, xảy ra tình trạng nhà nhập khẩu chờ hàng, trong khi đó, thanh long được giá thì lại ùn ứ do đơn vị bảo hộ không thông qua chính sách, thủ tục. Theo bà Watanabe Masumi, nếu không giải quyết thỏa đáng việc tư nhân bảo hộ giống thanh long thì các nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang các nước có chính sách thông thoáng hơn, cho dù thanh long Việt Nam đang được ưa chuộng.
“Trước những phát sinh về thanh long ruột đỏ tại Việt Nam, nếu công ty Yasaka không thể vượt qua rào cản của việc bảo hộ giống thanh long LD1 thì chúng tôi buộc phải ngừng mua và ngừng xuất khẩu thanh long. Công ty không thể chấp nhận việc thu phí bảo hộ giống thanh long của đơn vị bảo hộ giống. Với việc phát sinh bảo hộ giống thanh long LD1, công ty kiến nghị các ban ngành liên quan cần rà soát lại để hỗ trợ nông dân, HTX, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long có điều kiện sản xuất, mua bán thuận lợi”, bà Watanabe Masumi nêu ý kiến.
Đối với thị trường xuất khẩu nông sản, Nhật Bản là một trong những đối tác ổn định lâu dài. Dù rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, nhưng đây là quốc gia có tầm chiến lược trong việc thay thế những thị trường truyền thống đã có dấu hiệu bão hòa, thiếu sự ổn định trong tiêu thụ hàng hóa. Việc tháo gỡ về vốn, hỗ trợ kết nối giao thương cho ngành hàng nông sản, gia vị đóng gói đang cần các ngành chức năng có liên quan sớm vào cuộc, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, giúp người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu có thể đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong giai đoạn nông sản xuất khẩu đang bị cạnh tranh khốc liệt như hiện nay./.
Nguyễn Quang/VOV-TPHCM