Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, các doanh nghiệp xuất khẩu, đầu tư và bất động sản đang rất khó khăn. Trong đó, xuất khẩu dệt may sang các thị trường chính là châu Âu và Mỹ đang giảm rất mạnh. Thị trường châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%, hàng tồn kho tăng lên, chiếm 20-25%. Hiện nay, khách hàng cũng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới.
Ở ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Cụ thể, 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại không có đơn hàng, do đó hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền. Lĩnh vực bất động sản rất khó khăn và đi vào suy thoái. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần thư đóng băng và tình hình này có khả năng kéo dài.
Trước những khó khăn đó, các doanh nghiệp kiến nghị giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ hoặc quy định nghiêm ngặt về thời gian hỏi ý kiến nhiều cơ quan để nâng trách nhiệm cơ quan tham mưu. TP.HCM cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào giải quyết thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ của mình.
TP.HCM chú ý nhiều hơn vào cải thiện một số chỉ số thành phần về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là tìm thị trường ngách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; kết nối trực tiếp với các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như Ấn Độ, EU... Bên cạnh đó, để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng logictics, xây dựng hệ thống kho lạnh quy mô lớn.
Doanh nghiệp cũng đề nghị tiếp tục gia hạn việc giảm thuế giá trị gia tăng 8% cho tất cả các ngành kinh tế, chứ không giới hạn ở một số ngành như hiện nay và thời hạn áp dụng tới hết năm 2023. Ngoài ra kiến nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp phát hành gia hạn, mua lại hay tất toán các khoản nợ với trái chủ.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết việc tiếp cận vốn vay ngân hàng rất khó, mặt khác lãi suất vay cao - hơn 10%/năm, doanh nghiệp không thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Mức định giá tài sản của ngân hàng cũng giảm thấp hơn trước. Doanh nghiệp đề nghị lãi suất ngân hàng cho vay ở biên độ lợi nhuận ở mức 3%.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết: “Hiện nay với lãi suất cho vay của ngân hàng trên 10% thì không thể nào ngành chế biến lương thực thực phẩm kết hợp với nông nghiệp có thể kinh doanh có lãi. Tiếp theo đó, giá điện, giá nước tăng, giá một số nguyên liệu cũng tăng. Các doanh nghiệp của chúng tôi đều hạ mức lợi nhuận xuống dưới 50 - 70%”.
Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sẽ tâp trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP.HCM; những nội dung vượt quá thẩm quyền, sẽ kiến nghị lên Trung ương./.
Lệ Hằng, Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM