Tác động lớn đến thu hút “đại bàng”, “người khổng lồ”
Theo lộ trình, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2024 và điều này sẽ có tác động rất lớn, ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.
Thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trong ít nhất 2 năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần “thiếu hụt” còn lại với mức thuế 15% cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính. Các doanh nghiệp có doanh thu dưới 750 triệu euro sẽ không phải đối tượng của sắc thuế này. Điều này cũng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia đầu tư tại nước ngoài phát triển ổn định hơn.
Ưu điểm của thuế tối thiểu toàn cầu là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, tránh trốn thuế… Nếu áp dụng, Việt Nam có thể kiểm soát được các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn hơn, tránh thất thu thuế khi những doanh nghiệp này trốn thuế tại các nước không bị truy thu thuế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, sắc thuế này mang đến nhiều lợi ích hơn cho các quốc gia phát triển. Còn ở vị thế là nước đang phát triển thì sẽ bị giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài; nhất là Việt Nam, khi nước ta đang có lợi thế ưu đãi về thuế là công cụ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam cho hoạt động đầu tư phổ biến là ưu đãi thời gian miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng: Miễn 4 năm, giảm 9 năm; miễn 2 năm, giảm 4 năm. Một số tính toán cho thấy, trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %.
Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng sẽ giúp tăng thu ngân sách và hạn chế trốn thuế, hạn chế tình trạng các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư theo cách “đưa nhau xuống đáy”. Tuy nhiên, có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm hiệu lực trong nhiều trường hợp.
“Chính sách thuế này khi được áp dụng sẽ tác động trước hết đến DN FDI đầu tư lớn; tác động đến thu hút mới các dự án đầu tư. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là tác động cả đến dự án FDI đã, đang hoạt động tại nước ta đang trong thời kỳ hưởng chính sách ưu đãi và có thể ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhà đầu tư đang hoạt động. Tuy chịu ảnh hưởng chủ yếu là những nhà đầu tư lớn, có quy mô doanh thu hợp nhất trên 750 triệu EUR toàn cầu. Nhưng ở chừng mực nào đó, rất có thể có những nhà đầu tư FDI nhỏ nhưng họ nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh, là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia thì họ có thể bị chịu thuế suất thuế tối thiểu, sẽ bị liên đới”, ông Phan Đức Hiếu cho biết thêm.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, ở góc độ tiêu cực, sức cạnh tranh trong thu hút vốn FDI có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi; việc áp thuế tối thiểu toàn cầu có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia…
“Sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khi một loạt quốc gia áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ năm sau. Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng”, TS. Cấn Văn Lực lo ngại.
Cần có chính sách ưu đãi đầu tư mới
Thời gian thực thi Thuế suất tối thiểu toàn cầu đang tới gần, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần sớm rà soát, đánh giá đầy đủ chính sách ưu đãi thuế gồm những gì. Nếu áp dụng mức thuế 15%, đối tượng chịu tác động là ai, mức độ, quy mô ra sao?
"Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, thu hút thêm dòng vốn ngoại, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và nhất quán hơn nữa. Đây là những lợi thế mang lại gấp hơn nhiều lần chi phí tài chính mà nhà đầu tư phải trải qua", ông Lực nêu ý kiến.
Có cái nhìn tích cực hơn, GS.TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Singapore nhận định, quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu là một thời cơ vô giá cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Nó không chỉ giúp Việt Nam có tư duy và tầm nhìn mới mà còn có nguồn lực dồi dào và khả năng gắn kết sâu sắc hơn với các nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn mới.
Nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có quy mô rất lớn và được hưởng ưu đãi thuế thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 15% nên Việt Nam đứng trước khả năng có nguồn lực bổ sung lớn, có thể lên tới hàng tỷ USD/năm để đầu tư phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả các doanh nghiệp đang và sẽ hoạt động tại Việt Nam.
Để giữ chân các nhà đầu tư và thu hút các nhà đầu tư chiến lược này, GS.TS. Vũ Minh Khương cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tăng sự gắn kết và sức cộng hưởng và của Việt Nam với các nhà đầu tư trong nhiều thập kỷ tới.
“Chính phủ có thể cân nhắc xác định các nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư lớn, có hoạt động R&D và công nghệ cao để đưa ra các phương án ưu đãi, hỗ trợ hiệu quả như hỗ trợ trực tiếp để các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực ở các địa phương mà các nhà đầu tư đó hoạt động; hỗ trợ nâng cấp các ngành công nghiệp bản địa phụ trợ cho các nhà đầu tư chiến lược đó; hỗ trợ nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo quốc gia”, GS.TS. Vũ Minh Khương khuyến nghị./.
Diệp Diệp/VOV.VN