Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, như quy định việc mở rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; Quy định tích tụ, tập trung đất đai, cơ chế góp quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn… Hai trong nhiều điểm mới của dự thảo lần này được kỳ vọng giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, từ đó tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực nông nghiệp nước ta.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất ở, đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ lấn biển; quy định về quản lý đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế nhằm phát huy nguồn lực, tiềm năng đất đai...
Ông Trần Quý Bình, Giám đốc HTX Hữu Nghị (tỉnh Hà Giang) kiến nghị, việc quy định quy hoạch đất nông nghiệp đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa cần theo hướng tạo điều kiện, để người dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp với phong tục, tập quán sử dụng đất của đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất.
“Có nhiều mảnh đất nông nghiệp nhưng không thể trồng cấy được, nhưng trước đó đã quy hoạch là đất nông nghiệp, người dân không chuyển đổi mục đích nên bị lãng phí, bỏ không rất nhiều…”, ông Trần Quý Bình lý giải.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về thời hạn sử dụng đất và hạn mức sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Chương XII, quy định chế độ sử dụng các loại đất. Đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp được mở rộng cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (Điều 213). Bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp; chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.
Ông Hoàng Trọng Thuỷ - Chuyên gia nông nghiệp cho rằng, những điều chỉnh này nếu được thông qua và thực thi đầy đủ sẽ góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nông nghiệp. “Khi chúng ta mở rộng hạn điền, giao dịch đất của người nông dân và với nền nông nghiệp sẽ được tăng lên và mở rộng được diện tích sẽ là động lực lớn nhất”, ông Thủy nói.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá có nhiều điểm mới mang tính đột phá, có ý nghĩa thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai để hướng tới phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại. Về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, Điều 170 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất. Với quy định này, diện tích đất cây hàng năm của hộ gia đình, cá nhân sử dụng tối đa lên tới 45 ha; diện tích đất trồng cây lâu năm vùng đồng bằng 150 ha, vùng Trung du miền núi là 450 ha; diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất 450 ha.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế nhận định, những thay đổi của Dự thảo sẽ góp phần thu hút sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, từ đó nguồn lực đất đai có thể được phát huy hiệu quả và bền vững hơn.
“Bước đầu phải có các doanh nghiệp tham dự vào quá trình này, trong khi hiện nay số doanh nghiệp trực tiếp làm nông nghiệp còn ít…Do đó cần phải có một tiền đề rất quan trọng, đó là các chính sách về đất đai phải thay đổi…”, PGS.TS. Trần Đình Thiên đề cập.
Những quy định mới về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung và bền vững./.
Theo VOV.VN