Xã hội phát triển, việc thanh toán không dùng tiền mặt dần phổ biến hơn nên Internet Banking - Ngân hàng điện tử mang đến rất nhiều lợi ích cho cả người dùng và ngân hàng. Tuy nhiên, đi kèm đó là hệ lụy chuyển nhầm tài khoản hay bị lừa chuyển tiền qua Internet Banking.
Hoạt động đầu tư công nghệ đi đôi với nhận thức người sử dụng, hướng đến cung cấp dịch vụ cho xã hội, cho nền kinh tế tốt hơn. Việc đầu tư cho công nghệ sẽ xoá bỏ rào cản về không gian, thời gian. Với những lợi ích như vậy, ngân hàng và khách hàng lại đối diện với nguy cơ, rủi ro về việc mất an toàn mạng. Gần đây, hệ thống công nghệ của các ngân hàng đã được đầu tư tốt hơn, vì vậy, tội phạm mạng cũng chuyển hướng đối tượng dễ tổn thương hơn là khách hàng. Theo khảo sát của Cục Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chưa đến 11% đối tượng được hỏi nhận thức rủi ro xuất phát từ chính các hoạt động của mình chứ không xuất phát từ các lỗi trong hệ thống ngân hàng.
“Khách hàng của tôi bảo là đang ở nước ngoài, muốn gửi tiền về mua hàng thì tôi phải click vào đường link để xác nhận. Tôi cũng làm theo hướng dẫn mà không hề biết mình nhỡ cung cấp mã OTP để bị rút tiền trong tài khoản”, chị Nguyễn Thị Thanh, một nạn nhân của chiêu thức lừa đảo trực tuyến kể lại.
Những thách thức cụ thể mà các ngân hàng thương mại phải vượt qua là cần đảm bảo việc thanh toán trực tuyến được thông suốt và bảo mật được thông tin cá nhân của khách hàng. Các ngân hàng thương mại cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về phòng, chống tội phạm trong thanh toán, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao cho nhân viên để có biện pháp phòng chống kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi cho cả khách hàng và ngân hàng; nhắc nhở, cảnh báo với khách hàng về các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua nhiều kênh như email, tin nhắn, mục thông báo trong các ứng dụng Smart Banking, trang web ngân hàng… Tạo các clip ngắn hướng dẫn khách hàng thực hiện giao dịch online an toàn. Đồng thời, khuyến cáo với khách hàng về các việc nên làm và không nên làm để tránh rơi vào bẫy lừa đảo; cung cấp đường dây nóng hoặc địa chỉ email để hỗ trợ kịp thời cho khách hàng.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư công nghệ số (VDI) cho biết sự hỗ trợ của ngân hàng nếu khách hàng gặp rủi ro khi thanh toán: “Các ngân hàng có thể ngăn chặn được mở tài khoản giả, không đúng người. Chúng ta có thể mở từ xa cũng xác định được giả hay thật, sắp tới có cơ sở dữ liệu dân cư nữa thì còn xác nhận được vân tay. Ngân hàng có thể hoàn toàn thêm những quy định kiểm tra chéo, quy định ràng buộc như chuyển khoản trên 100 triệu thì cần thêm thông tin, thông tin thêm cho khách hàng, những điều này sẽ tránh được nhiều rủi ro”.
Thực tế, tin tặc luôn tìm mọi cách để tấn công vào những lỗ hổng trong toàn bộ hệ thống và chỉ cần một cuộc tấn công nhỏ có thể làm toàn hệ thống giao dịch ngân hàng bị sập và chịu những tổn thất rất lớn. Vì vậy, việc ngân hàng đầu tư về công nghệ, nâng cao bảo mật cũng chính là tránh những rủi ro cho hệ thống của mình.
“Khi cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tiện ích ngân hàng, đại diện ngân hàng công nghệ, các ngân hàng luôn luôn phải tính đến những rủi ro có thể xảy ra đối với khách hàng và đương cả đối với ngân hàng. Và các ngân hàng luôn luôn đầu tư các hệ thống cũng như các biện pháp an toàn bảo mật tối đa để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như đảm bảo an toàn cho chính ngân hàng”, ông Đào Minh Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết.
Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại thường xuyên đưa ra cảnh báo, lưu ý tới khách hàng trước khi tải xuống bất kỳ ứng dụng di động nào, người dùng phải kiểm tra xem ai, tổ chức nào là người tạo ứng dụng; tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn/email/kênh mạng xã hội mạo danh ngân hàng; không thực hiện các thao tác làm theo hướng dẫn do các số điện thoại lạ gọi đến, kể cả là cán bộ ngân hàng và các cơ quan khác khi chưa xác minh được thông tin chính xác. Khi nhận được bất kỳ email của ngân hàng nào, hãy nhớ gọi cho ngân hàng để xác nhận xem đây có phải là thông tin liên lạc chính xác hay không. Luôn xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền (qua điện thoại hoặc trực tiếp); cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trên mạng xã hội, dù người yêu cầu tự xưng là người thân, bạn bè. Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking… và nên đặt mật khẩu các dịch vụ ngân hàng điện tử khó đoán, tính bảo mật cao, không đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch mua bán hàng trực tuyến.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, trách nhiệm của các bên khi xảy ra rủi ro khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử: “Nếu như thanh toán không dùng tiền mặt thì Luật Tổ chức tín dụng cho đến các nghị định thì cơ quan chịu trách nhiệm toàn bộ chính sách về thanh toán là Ngân hàng Nhà nước, và quản lý hệ thống thanh toán là NHNN. Thứ 2, liên quan đến các vụ rủi ro thì ngân hàng thương mại mở tài khoản nếu phát hiện những giao dịch đáng ngờ phải có trách nhiệm thông báo lên Cục Phòng chống rửa tiền của NHNN để hạn chế ngay từ đầu. Còn với những hành vi vi phạm thì cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, vì hành vi đó bị cấm thì tổ chức tín dụng chỉ có trách nhiệm thông báo cho cơ quan pháp luật để xử lý những vụ việc này”.
Cả nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng đều không thể vô can trong câu chuyện rủi ro trên không gian mạng. Một nhà cung cấp có uy tín vẫn khó có thể tránh bị mất tiền hoặc tống tiền bởi các hacker điêu luyện. Một người sử dụng thành thạo công nghệ đôi khi vẫn có những sơ hở chủ quan chết người. Vì vậy, tự bảo vệ mình và có giải pháp phòng ngừa từ xa vẫn là phương thức hữu hiệu nhất. Để giải quyết lừa đảo trực tuyến cũng tương tự như trên môi trường truyền thống, cần có sự tham gia phối hợp, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, người dân và khách hàng./.
Theo VOV.VN