Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, kết quả tăng trưởng của quý I được đánh giá ở mức khá so với bình quân chung trên thế giới và khu vực, khi mà các nền kinh tế khác được dự báo là tăng trưởng ở mức rất thấp.
"Điều này phản ánh thực tiễn đúng theo những gì chúng ta đánh giá khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Lúc đó nhận định về bối cảnh tình hình cho thấy khó khăn thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Thực tế đã diễn ra đúng như nhận định, thậm chí những khó khăn, thách thức còn lớn hơn những gì chúng ta dự kiến", Thứ trưởng Trần Quốc Phương.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay: Bối cảnh quốc tế, khó khăn trên thế giới như các vấn đề về lạm phát tuy có hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia, các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhu cầu của thị trường toàn cầu giảm sút, tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine… tất cả có tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam vì nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.
Về giải pháp trong năm 2023, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đã tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề điểm nhấn như sau:
Thứ nhất, trong năm 2023, với những khó khăn như vậy, để đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra và chỉ tiêu Quốc hội giao, chúng ta phải nỗ lực, cố gắng rất lớn để bù đắp những gì quý I chúng ta chưa đạt được. Ở đây, chúng ta phải giữ quan điểm nhất quán, trước tiên là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là yếu tố nền tảng, quyết định mọi thứ để có thể triển khai các giải pháp khác nhằm phục hồi cũng như thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế những tháng còn lại.
Thứ hai, trong các giải pháp về vĩ mô, có 2 chính sách cần chú trọng trong điều hành, hết sức linh hoạt, hiệu quả, và thận trọng. Đó là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Hiện nay, với tác động chính sách tiền tệ thế giới, chúng ta gặp rất nhiều thách thức trong quá trình điều hành, đòi hỏi mức độ nhạy bén, kịp thời, linh hoạt hết sức cao trong điều hành, vừa đảm bảo chống chọi với khó khăn do quốc tế mang lại, nhưng cũng cần đảm bảo cung cấp đủ nguồn lực cho nền kinh tế để duy trì hoạt động và phát triển.
Thứ ba, phải rà soát ngay tất cả các chính sách, động lực tăng trưởng còn lại của nền kinh tế để tập trung tác động, lấy tăng trưởng của khu vực thuận lợi để bù đắp khu vực khó khăn.
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, khu vực sản xuất chế biến, chế tạo gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng ở mức thấp, tăng trưởng âm. Vì thế, những động lực còn lại cần phải quan tâm hơn với nông nghiệp là trụ đỡ. Dịch vụ của chúng ta tăng trưởng tốt, do vậy tập trung vào lĩnh vực dịch vụ để đỡ bớt cho các lĩnh vực khác.
Ở khía cạnh tiêu dùng, động lực xuất khẩu tuy giảm về quy mô nhưng về cân đối chúng ta vẫn duy trì được thặng dư xuất khẩu với xuất siêu 4 tỷ USD.
Trong lĩnh vực đầu tư, đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Ở đây, vai trò của đầu tư công hết sức lớn, và Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là giải pháp then chốt trong động lực về đầu tư và tăng trưởng.
Cái cuối cùng trong các lĩnh vực cần rà soát là phát triển thị trường trong nước. Khi xuất khẩu của chúng ta gặp khó khăn, thì vai trò của thị trường trong nước hết sức quan trọng. Phải áp dụng tất cả các giải pháp để khuyến khích thị trường trong nước phát triển hơn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ./.
Trần Ngọc-Thiên Bình/VOV.VN