Vị ngọt mùa hoa vải

Vị ngọt thơm mùa hoa vải không chỉ đem lại giá trị gia tăng cho các vườn vải thiều Thanh Hà nổi tiếng, mà còn cung cấp cho thị trường một loại mật chất lượng.

 

Các trà vải sớm rồi vải chính vụ lần lượt nở hoa trắng. Đó cũng là "mùa con ong đi lấy mật" trên cây vải thiều ở Thanh Hà, Hải Dương. Vị ngọt thơm mùa hoa vải không chỉ đem lại giá trị gia tăng cho các vườn vải thiều Thanh Hà nổi tiếng lâu đời, mà còn cung cấp cho thị trường một loại mật chất lượng: mật ong hoa vải.

          Nghề "du mục" ở đồng bằng

          Chị Lê Thị Quyên - chủ cơ sở ong Điệp Quyên, thương hiệu Giọt Vàng, ở Thanh Hà, Hải Dương - ví von nghề nuôi ong mà gia đình chị đã gắn bó gần 30 năm nay là "nghề du mục". Chị kể, người nuôi ong luôn luôn phải di chuyển trại ong đến những vùng có nguồn thức ăn tự nhiên thì mới có thể duy trì sản xuất. Vì vậy, tùy thuộc vào người nuôi ong đánh giá tiềm năng khai thác mật ong của mỗi khu vực ứng với từng khoảng thời gian trong năm mà trại ong sẽ được di chuyển tới các địa phương khác nhau, thường là trải suốt dọc chiều dài tổ quốc. Chỉ tính riêng ở huyện Thanh Hà, với nhiều sản phẩm mật ong được khai thác từ nhiều loài hoa khác nhau, sản lượng mật ong dự kiến hàng năm ước đạt trên 20.000 tấn. Trong đó, mật ong hoa vải chiếm 1/3 tổng sản lượng mật khai thác được.

Những giọt mật vàng sánh

          Năm 2011, cơ sở nuôi ong Điệp Quyên xây dựng thương hiệu mật ong Giọt Vàng, năm 2018 chính thức đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ thương hiệu Giọt Vàng. Năm 2022, mật ong hoa vải Thanh Hà Giọt Vàng được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao. "Tôi bắt đầu nghề nuôi ong từ năm 1995, đã có gần 30 năm nuôi ong lấy mật của hoa vải và nhiều vùng hoa trên khắp mọi miền đất nước. Cơ sở có khoảng 5 đến 6 nhân công lao động theo năm và 15 - 20 nhân công theo mùa vụ" - chị Quyên chia sẻ.

          Theo chị Quyên: "Mật ong hoa vải là sản phẩm có màu sắc bắt mắt và hương vị đặc biệt thơm ngon nên dễ dàng được người tiêu dùng chọn lựa. Màu vàng với phổ từ nhạt tới đậm, vị ngọt thanh, có mùi thơm dịu của hoa vải - mùi mà các sản phẩm mật ong khai thác từ các loài hoa khác không có. Mùi hương chính là điểm đặc trưng nhất, là “tiêu chuẩn vàng” để nhận diện và phân biệt".

Mật ong hoa vải là sản phẩm có màu sắc bắt mắt và hương vị đặc biệt thơm ngon nên dễ dàng được người tiêu dùng chọn lựa.

          Huyện Thanh Hà hiện có hơn ba mươi hộ nuôi ong quy mô lớn. Giữa các hộ có sự liên kết chặt chẽ trong tất cả các khâu từ chọn giống, chăm sóc, sản xuất cho đến thu hoạch, nhằm học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Trung bình, mỗi đàn ong có thể thu hoạch khoảng 20 kg mật trong một mùa hoa vải. Vì vậy, tùy theo quy mô chăn nuôi của từng hộ mà sản lượng một mùa hoa vải có thể dao động từ 5-6 tấn cho tới 20 - 30 tấn mật/hộ nuôi ong. Sản lượng dự kiến hàng năm của cả huyện đạt khoảng 600 - 700 tấn mật. Tới mùa hoa vải, những hộ nuôi ong ở các địa phương khác cũng di chuyển trại ong đến địa bàn huyện Thanh Hà để thu hoạch mật ong. Vì vậy, sản lượng mật ong hoa vải toàn huyện trên thực tế có thể đạt tới 800 tấn hoặc hơn.

          Tại vườn vải nơi cơ sở Điệp Quyên đang khai thác mật, chỉ trong vòng nửa giờ đã có gần chục vị khách đến mua mật vừa quay xong, thậm chí có người còn đòi xem trực tiếp từ chậu mật vừa được quay, vẫn đang lẫn xác ong thợ. Anh Đoàn - một người mua mật - cho biết: "Tôi là người Thúy Lâm, Thanh Sơn đây, quê hương vải tổ, nên biết năm nào mật ngon, chất lượng cao nhất. Chưa năm nào chất lượng mật ong đặc biệt như năm nay. Từ đầu mùa mật đến giờ tôi mua mười mấy chai làm quà quê gửi bà con trên Hà Nội, rồi họ lại nhờ mua hộ thêm. Năm nay mật nhiều nên giá rẻ mà chất lượng lại ngon, ai cũng thích. Con ong khi đi lấy mật phải vào những vùng không có thuốc bảo vệ thực vật, nếu không chưa kịp về tổ đã chết. Cho nên ăn mật ong vải là yên tâm".

Khách mua ngay tại thùng quay mật

          Ngọt thơm quanh gốc vải tổ

          Việc khai thác mật ong vải tự nhiên kéo dài khoảng 1 tháng từ lúc hoa vải bắt đầu nở rộ, kết thúc trước khi người dân phun thuốc trừ sâu bệnh. Cách làm này vừa bảo vệ sức khỏe đàn ong vừa đảm bảo chất lượng và độ an toàn cho sản phẩm, khai thác mật và giúp thụ phấn cho hoa tự nhiên, tăng khả năng đậu quả.

          Bà Lương Thị Kiểm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông (NN&PTNT) Hải Dương - cho biết: Hải Dương đang định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp khai thác đa giá trị từ thu hoạch sản phẩm trồng trọt và khai thác các sản phẩm khác từ chính cây trồng đó. Đối với cây vải là khai thác mật ong,  phát triển du lịch miệt vườn. Cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý chất lượng vật tư đầu vào, giải quyết các vấn đề kỹ thuật mà thị trường nhập khẩu yêu cầu như cấp mã số vùng trồng hay kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

          "Sản xuất mật ong vải chính là một trong những hoạt động khai thác đa giá trị của cây vải thiều. Ngoài thu nhập từ vải thì thu nhập từ mật cũng rất tốt. Người dân Thanh Hà tự hào về quả vải, tự hào cả về sản phẩm từ vải - ví dụ như mật ong. Nhưng hiện nay do công tác quảng bá thương hiệu mới bắt đầu nên giá mật ong vải đang được bán rất rẻ, trong khi chất lượng mật vải rất tốt, không thua kém loại mật nào. Những chủ nuôi ong đều phải tìm đến vùng nguyên liệu sạch để cho đàn ong đến chứ đưa đến vùng có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì ong chết hết" - bà Kiểm cho biết thêm.

Quay mật

          Theo Sở NN&PTNT Hải Dương, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 150-180 hộ nuôi ong và khai thác mật, tập trung ở hai huyện Thanh Hà và Chí Linh, với quy mô từ trung bình đến lớn là 300-1000 đàn ong/hộ, không tính các hộ nhỏ lẻ khai thác trong gia đình. Trong đó, 10 cơ sở có giấy chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm. Sản lượng mật vải thiều trung bình 20kg mật/đàn; 20-30 tấn/hộ/vụ. Tổng sản lượng mật hoa vải của tỉnh đạt khoảng 1200-1300 tấn/vụ (tính cả các đàn ong di cư từ các cơ sở nuôi ong nơi khác đến). Sản lượng nguồn mật hoa khác của các cơ sở nuôi ong khai thác di cư ước đạt 30.000 tấn/năm.

          Thị trường tiêu thụ chủ yếu của mật ong hoa vải là xuất khẩu thông qua các công ty xuất nhập khẩu, một số ít qua việc người Việt Nam mang đi và khách nước ngoài mang về nước. Thị trường tiêu thụ trong nước cũng rất rộng mở. Cùng với tiếng vang của vải thiều Thanh Hà, sản phẩm mật ong hoa vải Thanh Hà được người dân Hải Dương và người tiêu dùng cả nước tin dùng.

          Bà Trần Thu Hà - Chuyên viên Phòng Quản lý chất lượng, Sở NN&PTNT Hải Dương - cho biết: để đảm bảo chất lượng quả vải và mật ong vải, cơ quan chuyên môn kiểm soát phương thức nuôi ong và khai thác mật đủ điều kiện an toàn thực phẩm và liên kết với các hộ chăn nuôi, kiểm soát từ vùng trồng đến quá trình khai thác, thu mua.

          Theo bà Lương Thị Kiểm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông (NN&PTNT) Hải Dương - để thương hiệu mật ong vải Thanh Hà vươn xa hơn nữa, Sở đề xuất lãnh đạo tỉnh hỗ trợ về cơ sở vật chất tạo điều kiện giúp các hộ nuôi ong phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời có chiến lược truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm mật ong hoa vải Thanh Hà tới đông đảo người dân trong nước và trên thế giới. Cùng với đó cần có biện pháp bài trừ sản phẩm hàng giả, hàng nhái thương hiệu mật ong hoa vải Thanh Hà.

Năm 2022, huyện Thanh Hà có 51 vùng sản xuất vải đã được cấp 185 mã số vùng trồng và 13 cơ sở được duy trì 18 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan. Các dịch vụ gắn với sản xuất và tiêu thụ vải quả luôn luôn sôi động; số lượng đàn ong, điểm nuôi ong lấy mật tăng; số lượng khách du lịch về thăm quan vùng vải, trải nghiệm hái và thưởng thức vải tăng cao (trong mùa vải đã đón hơn 30.000 khách về thăm các vùng vải).

 

Mật ong hoa vải quay tại vườn có giá 60.000 - 70.000 đồng/kg và thành phẩm có tem nhãn giá 70.000 - 85.000 đồng/kg. Một lít mật ong hoa vải tương đương khoảng 1,4 kg. Thời gian bảo quản giữ nguyên được giá trị mật hoa vải là 2 năm. Để lâu mật có màu sậm hơn.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận