PCI ở các tỉnh Tây Bắc và những thách thức

Dù điểm số PCI thay đổi không quá lớn trong năm qua nhưng đã thể hiện những nỗ lực không nhỏ của chính quyền các địa phương nơi đây.

 

Với đặc thù địa hình chia cắt, tỷ suất đầu tư lớn, nền kinh tế quy mô nhỏ, thiếu sức cạnh tranh... việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại các địa phương Tây Bắc gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan từ một khu vực có xuất phát điểm thấp, điểm số PCI thay đổi không quá lớn trong năm qua đã thể hiện những nỗ lực không nhỏ của chính quyền các địa phương nơi đây.

Liên tiếp trong 4 năm qua, Điện Biên có sự giảm sâu về vị trí trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả nước; cụ thể là từ vị trí thứ 44, với 64.11 điểm vào năm 2019 tụt xuống vị trí thứ 62, với 59.85 điểm năm 2022. Từ nhóm trung bình, địa phương này đã bị đẩy xuống nhóm thấp trong bảng xếp hạng PCI của cả nước.

Ông Bùi Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Điện Biên cho biết, ngay sau khi kết quả xếp hạng PCI năm 2022 được công bố, UBND tỉnh Điện Biên đã yêu cầu các sở, ban, ngành phụ trách phân tích chi tiết từng tiêu chí trong 142 tiêu chí của 10 chỉ số thành phần để tìm ra nguyên nhân giảm và giải pháp cải thiện.

UBND tỉnh nhận định, dù kết quả xếp hạng chung giảm nhưng một số chỉ số thành phần của Điện Biên vẫn có sự cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, như gia nhập thị trường (tăng 14 bậc); tiếp cận đất đai (tăng 19 bậc); Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh (tăng 10 bậc); Chi phí thời gian (tăng 8 bậc)... Các chỉ số có mức giảm sâu bao gồm cạnh tranh bình đẳng; Chi phí không chính thức, Đào tạo lao động, Tính minh bạch... Theo ông Thắng, với đặc thù địa phương miền núi biên giới khó khăn, xuất phát điểm thấp, việc cải thiện, giữ vững thứ hạng chỉ số PCI và nhiều chỉ số thành phần khác là thách thức lớn với Điện Biên.

“Về các chỉ số liên quan đến tiếp cận thị trường, tiếp cận đất đai…Điện Biên cũng đã ban hành nhiều giải pháp để thực hiện. Tuy nhiên xuất phát điểm của Điện Biên khá thấp, nguồn gốc đất đai nhiều nơi chưa được cấp Giấy chứng nhận, nên khi triển khai các dự án đầu tư có liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ là hạn chế khi tiếp cận đất đai đối với các nhà đầu tư”, ông Thắng thừa nhận.

Nhiều địa phương khu vực Tây Bắc gặp khó khăn trong cải thiện chỉ số PCI.Tương tự Điện Biên, năm 2022, vị trí xếp hạng PCI của tỉnh Yên Bái cũng bị tụt 11 bậc so với năm trước đó (đứng thứ 51 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố). Theo ông Đoàn Hữu Phung, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái, Trong 10 chỉ số thành phần, Yên Bái chỉ có 3 chỉ số tăng điểm và thứ hạng, bao gồm: Chính sách hỗ trợ DN; gia nhập thị trường và thiết chế pháp lý, an ninh trật tự. 2 chỉ số giảm điểm nhưng vẫn trong nhóm dẫn đầu là tính năng động của chính quyền (đứng 7/63); tính minh bạch (đứng 20/63). Địa phương có 5 chỉ số giảm, hiện nằm trong nhóm cuối bảng là chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức và chỉ số đào tạo lao động.

“Yên Bái đã có lộ trình cụ thể để khắc phục điểm số của 10 chỉ số thành phần, chỉ tiêu bị giảm điểm. Trong đó sẽ tập trung vào đổi mới, nâng cao tính năng động, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nhất là đối với những lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng...”, ông Phung nêu.

Trong số 5 tỉnh Tây Bắc, ngoài Lào Cai PCI năm 2022 thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất (xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; tăng 14 bậc so với năm 2021), 2 tỉnh Lai Châu và Sơn La cũng có những đột phá về PCI.

Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết, nếu như ở thời điểm năm 2019, chỉ số PCI của Lai Châu mới được 59,95 điểm, đứng thứ 63/63 tỉnh, thành phố cả nước, đến năm 2022 địa phương đã đạt 62,05 điểm, xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, là lần đầu tiên Lai Châu có chỉ số tính năng động của chính quyền và đào tạo lao động tăng điểm. Để có được kết quả trên, chính quyền tỉnh Lai Châu đã từng bước gỡ khó, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư vào địa bàn khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương.

“Huyện tiến hành chỉ đạo, đặc biệt là cùng với cấp ủy, chính quyền vùng có dư địa, điều kiện thổ nhưỡng khí hậu phát triển sâm để xây dựng vùng quy hoạch. Đồng thời, huyện phối hợp thu hút DN, đặc biệt là phát huy khả năng nguồn gen giống bản địa mà dân đang tổ chức khai thác để phát triển. Tới đây, huyện sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút nguồn nhân lực để tổ chức phát triển sâm trên diện rộng”, ông Khánh cho hay.

Tại Sơn La, đại diện Sở KH&ĐT tỉnh này cho biết, năm 2021 và 2022, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI, nổi bật là chú trọng cải thiện môi trường đầu tư. Rà soát bộ thủ tục hành chính; tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực liên quan đến DN... Vị trí 49/63 tỉnh, thành phố về PCI năm 2022 cho thấy quyết tâm cao của các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện đồng bộ các giải pháp theo phương châm “Chính quyền đồng hành cùng DN”.

Ông Bùi Thương Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Mường Muổi, tỉnh Sơn La nhận xét, trong năm 2022, tỉnh Sơn La đã có nhiều thay đổi, tạo mọi điều kiện cho DN phát triển, mọi thủ tục hành chính đã được rút gọn rất nhiều.

Năm 2022, dù có những thay đổi về thứ hạng, song nhìn chung PCI của các địa phương Tây Bắc không biến động quá lớn. Tuy thế, nhiều giải pháp căn cơ đã, đang được các địa phương tính đến với mục tiêu cuối cùng thu hút ngày càng nhiều hơn các nhà đầu tư đến đầu tư, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội từng địa phương và toàn vùng phát triển./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận