Nguyên nhân được đánh giá do kinh tế toàn cầu suy thoái, người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu. Ngoài gặp khó về xuất khẩu, doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thông tin với VTC News, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Cafatex (Cần Thơ) cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng xuất khẩu do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao.
"Tại các nước vốn là thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, có hiện tượng người dân cắt giảm chi tiêu khiến hàng tồn kho của doanh nghiệp còn nhiều dẫn đến giá cá, tôm giảm mạnh từ 20 - 30% so với cuối quý IV/2022. Dù giá đã giảm nhưng vẫn khó xuất khẩu”, ông Kịch nói.
Ông Kịch e ngại rằng, bắt đầu tháng 5 mới vào vụ khai thác, đánh bắt thủy hải sản với sản lượng nhiều thì việc tiêu thụ còn khó khăn hơn nữa, lượng hàng tồn kho nguy cơ còn gia tăng.
“Bây giờ các nhà máy chế biến không có tiền để thu mua nông sản của người dân, hoặc có mua thì không thể mua cao hơn giá bán ra vì còn nhiều công đoạn chế biến, đóng gói, vận chuyển, xuất khẩu. Do vậy, nguy cơ khủng hoảng thừa hàng thủy sản tại các vựa sản xuất đang dần hiện hữu”, ông Kịch nói.
Theo ông Kịch, nhiều khó khăn đã buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, duy trì việc làm, đời sống, thu nhập cho công nhân, người lao động. "Suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến toàn cầu, doanh nghiệp dù có xoay xở thế nào cũng khó thay đổi được tình thế. Vì thế, muốn tháo gỡ khó khăn thì rất cần sự vào cuộc hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương", ông Kịch đề xuất.
Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (VINA CLEANFOOD) cũng cho biết, thời gian qua đa số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn chung do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, người dân hạn chế tiêu dùng.
Ngoài ra, các mặt hàng tôm, cá tra, cá basa thời gian gần đây còn phải cạnh tranh với một số nước có nguồn nguyên liệu giá rẻ như Ấn Độ, Indonesia, Ecuado… Ông Phục cũng nêu những khó khăn do lãi suất của các ngân hàng còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.
“Trong 4 tháng đầu năm, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp giảm hơn 30%. Doanh nghiệp đã phải co kéo bằng cách cho người lao động nghỉ luân phiên và giảm hơn 40% giờ làm, kéo theo giảm 40% thu nhập. Doanh nghiệp cũng phải giảm hơn 1.000 động trong số hơn 4.000 lao động”, ông Phục nói.
Theo ông Phục, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải chấp nhận mức tăng trưởng thấp, thậm chí là giảm, đồng thời tái cấu trúc lại doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/4, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sự sụt giảm của thủy sản đã được dự báo từ cuối năm ngoái, nhưng mức giảm sâu như hiện nay dường như nằm ngoài dự tính của các doanh nghiệp.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, lần đầu tiên xuất khẩu các nhóm mặt hàng đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành là cá tra đạt 422 triệu USD (giảm 33,1%), tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4%).
"Xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% trong 3 tháng đầu năm, tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều giảm mạnh", ông Nam nói.
Nguyên nhân là do tình hình lạm phát khiến tiêu dùng tại các nước này suy giảm. Nhiều doanh nghiệp dù đã ký hợp đồng nhưng khách hàng dời lại, khiến lượng hàng tồn kho nhiều. Việc xuất khẩu giảm khiến dòng tiền chậm về. Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng hạn hẹp khiến các doanh nghiệp không có nguồn vốn để mua nguyên liệu hoặc không mua nguyên liệu đúng giá cho nông, ngư dân.
Đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, ông Nam cho hay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản chủ yếu vay USD. "Trước đây lãi suất vay USD dưới 3% nay đã trên 4%. Vì thế tôi kiến nghị nên giảm lãi suất vay USD. Ngoài ra Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông ngư dân duy trì việc sản xuất. Đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay", ông nói.
Trong khi đó, trả lời VTC News, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mấy tháng đầu năm 2023 xuất hiện những tín hiệu kém khả quan, phản ánh phần nào về tình hình kinh tế khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…
“Khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là tiếp cận vốn. Trong thời gian qua nhiều kênh huy động vốn trung và dài hạn đang trong quá trình điều chỉnh như chứng khoán, trái phiếu. Bên cạnh đó, lãi suất vốn vay ngân hàng còn cao, không thể duy trì được hoạt động kinh doanh bình thường chứ chưa nói đến nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là đói với các doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, thời gian qua, VCCI đã rất tích cực chuyển tải những khó khăn của doanh nghiệp lên Chính phủ, bộ ngành để Chính phủ, Thủ tướng kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Vấn đề quan trọng hiện nay là tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua tham tán thương mại. Trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU, những thị trường mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại song phương”, ông Tuấn nói./.
Phạm Duy/VTC News