Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn cao, bất ổn trong ngành ngân hàng đang tiếp diễn.
Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, việc giảm cho vay ngân hàng sẽ làm chậm lại nền kinh tế mà ngân hàng trung ương đang cố gắng hạ nhiệt, đồng thời các biện pháp kiểm soát giá cả vẫn sẽ tiếp tục được duy trì.
Đà tăng lãi suất sắp kết thúc?
Ngân hàng trung ương kỳ vọng các ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong việc cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vay sau thất bại của 3 trong số 30 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ (Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank) chỉ trong hai tháng qua.
Ông Jerome Powell nói thêm rằng: "Có thể không còn xa, thậm chí có khả năng FED không phải tăng lãi suất thêm nữa".
Chủ tịch FED cho rằng, không có thước đo định lượng nào về tác động của những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng. Nhưng các công ty ở Phố Wall lo ngại việc ngân hàng cho vay giảm đáng kể có thể tương đương với một vài đợt tăng lãi suất khác.
Nghiên cứu của Deutsche Bank cho thấy, sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại và công nghiệp có thể tương đương với mức tăng 0,50% hoặc 0,75% trong lãi suất mục tiêu của FED.
Kể từ tháng 3/2022, FED đã tăng lãi suất để chế ngự lạm phát leo thang. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về lãi suất thế chấp, lãi suất cho vay mua ô tô và lãi suất cho vay doanh nghiệp nhỏ như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của FED nhằm làm chậm hoạt động cho vay tiêu dùng.
Quá trình điều hành chính sách tiền tệ của FED trong thời gian qua đã mang lại một số thành công; tốc độ lạm phát hàng năm đạt đỉnh 9% vào tháng 6/2022, song vẫn ở mức 5% vào tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, với mục tiêu lạm phát được kiểm soát ở mức 2%, FED cho rằng cần giữ lãi suất ít nhất ở mức cao để hoàn thành mục tiêu này.
Mặc dù giúp kiểm soát tốt lạm phát, nhưng những chấn động trong hệ thống ngân hàng thời gian gần đây khiến gia tăng nguy cơ bất ổn tài chính đối với triển vọng kinh tế vốn đã không mấy sáng sủa. Các rủi ro về điều kiện tín dụng đương nhiên sẽ đặt ra câu hỏi về suy thoái kinh tế, theo đánh giá của Deutsche Bank.
Ngân hàng có thể phải chịu tác động tiêu cực
Bà Heather Boushey, thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, cho rằng việc FED tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đang có tác động tiêu cực đến lĩnh vực ngân hàng, đồng thời cảnh báo các thành viên đảng Cộng hòa không nên làm tình hình trở nên tệ hơn với vấn đề trần nợ công.
Theo nhận định của bà Heather Boushey, Quốc hội Mỹ có thể dễ dàng loại bỏ rủi ro vỡ nợ bằng cách tăng trần nợ công, trong khi vấn đề lãi suất và tác động của lãi suất đối với hệ thống ngân hàng là một câu hỏi phức tạp hơn nhiều mà không một thực thể đơn lẻ nào có thể giải quyết.
Liên quan đến vấn đề trần nợ, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ không đàm phán về trần nợ trong cuộc gặp với bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc hội vào ngày 9/5, nhưng ông sẽ thảo luận về việc bắt đầu "một quy trình ngân sách riêng" để bàn về các ưu tiên chi tiêu.
Tổng thống Joe Biden đã mời bốn nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện - hai người thuộc Đảng Dân chủ và hai người thuộc Đảng Cộng hòa - tới Nhà Trắng vào tuần tới, sau khi Bộ Tài chính Janet Yellen cảnh báo, Mỹ có thể hết tiền để thanh toán các nghĩa vụ nợ của mình trước ngày 1/6/2023, sớm hơn dự kiến trước đó của chính phủ và Phố Wall, là vào cuối tháng 7 tới./.
Trần Ngọc/VOV.VN (lược dịch)
Theo CNBC, Reuters