TP.HCM có nhiều công trình giao thông trọng điểm đắp chiếu trong thời gian dài hoặc thi công một cách ì ạch, chỉ vì vướng nút thắt về hạ tầng kỹ thuật hiện hữu như điện, nước, viễn thông... Từ đó kéo theo vấn đề chậm giải phóng mặt bằng.
Việc các công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phát triển kinh tế của TP.HCM.
Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã điểm mặt nhiều dự án giao thông "lỗi hẹn" về đích chỉ vì "lệch pha" trong công tác di dời hạ tầng điện, nước. Điển hình là hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) khởi công năm 2020.
Hầm chui ban đầu dự kiến xong 6/2022 nhưng bị dời vào quý 4/2023. Tuy nhiên đến nay khối lượng thi công công trình mới đạt khoảng 36% do việc di dời hạ tầng kỹ thuật thực hiện chậm, lệch pha với tiến độ thi công nhánh hầm.
Bên trong công trình hiện chỉ còn vài người trông coi, hạn chế thi công, vật liệu xây dựng chất ngổn ngang, hai đầu hầm chui đều ngập nước. Nhiều người dân ngao ngán vì tình trạng kẹt xe vào mỗi khung giờ cao điểm:
"Thi công thì ít mà đắp chiếu thì nhiều, mà cô cũng nói hoài có ý kiến đồ này kia mà cũng để vậy".
"Thành phố cũng xuống rồi, quận cũng đã xuống để xin ý kiến của người dân mà xin rồi thì cũng vậy à".
Một công trình khác cũng chung cảnh ‘đắp chiếu’ trong suốt thời gian dài là Dự án cầu Long Kiểng, được phê duyệt cách đây gần 23 năm. Sau nhiều lần tạm ngưng chờ mặt bằng, tháng 8.2018 dự án được tái khởi động nhưng chỉ hơn 1 năm sau lại phải tạm dừng, cũng do chưa giải phóng xong mặt bằng.
Tháng 9/2022, UBND huyện Nhà Bè bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp tục thi công. Tuy nhiên, công trình lại tiếp tục vướng vì công tác di dời hệ thống điện và dây thông tin chưa xong, nên dù chủ đầu tư dồn lực thi công nhưng đến nay cũng chỉ đạt khoảng 70% giá trị khối lượng công trình. Hiện chủ đầu tư đang cam kết sẽ đưa công trình vào sử dụng ngày 2/9 tới đây.
Đồng cảnh ngộ, Cầu Phước Long, (TP.Thủ Đức) cũng ì ạch thi công khi vướng phải mặt bằng. Nhiều người dân bức xúc khi các công trình chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến giao thông mà cả đời sống của người dân xung quanh dự án cũng bị đảo lộn hoàn toàn: "Buổi sáng học sinh đi học là bị kẹt xe, khi bụi do nắng quá tôi phải che chắn lại nếu mà để như vậy thì bụi lắm. Mưa thì nước ngập, ảnh hưởng tới việc mua bán lắm, bán ế lắm".
"Cả năm trời rồi tôi đâu có mua bán gì được đâu, giờ nguyên con đường làm gì bụi bặm không, mới té xe mấy ngày trước nữa nè, mà giờ báo thì bên kia không có làm được gì hết. Đường đá đây thì té lát hết mặt mày, máu không, mưa thì nước ngập hơn nửa bánh xe".
Trước những vướng mắc về cơ sở hạ tầng khiến nhiều công trình dậm chân tại chỗ trong suốt thời gian qua, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố cho biết, hiện các nhà thầu đang tập trung triển khai các gói thầu di dời hệ thống điện, nước trong khu vực nút giao để có mặt bằng tiếp tục thi công.
Ông Lương Minh Phúc cho biết: "Trong các công việc của Cầu Long Kiểng, cũng như hầm Nguyễn văn Linh thì nổi bật lên một yếu tố rất quan trọng đó là công tác di dời các hạ tầng tiện ích bao gồm: công trình điện, công trình viễn thông, cấp nước,… Như vậy vai trò của chủ đầu tư chuẩn bị các hồ sơ, sự phê duyệt của các Sở ban ngành rất quan trọng, việc này cũng cần được thực hiện đồng bộ với các công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, để đảm bảo tiến độ không bị đình trệ bởi các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện".
Là người đứng đầu một trong những địa phương có nhiều dự án trọng điểm tại TP.HCM đến sát "giờ G" vẫn gặp khó.
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức khẳng định sẽ tập trung thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong quý III và quý IV năm nay, từ đó đẩy nhanh tiến độ các công trình hiện hữu trên địa bàn: "Chúng tôi đang tập trung hết sức để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là ưu tiên tập trung các công trình đã thi công trong nhiều năm và các công trình đã dỡ dang thực hiện. Và chúng tôi dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng khoảng ngày 30/6 và 30/9".
Các dự án ì ạch là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân đầu tư công của TP.HCM trong quý 1 chỉ đạt 2% so với kế hoạch.
Ông Phan Công Bằng – Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhận định, các đơn vị liên quan cần gấp rút giải quyết những vấn đề tồn đọng trong suốt thời gian qua. Phấn đấu đến cuối quý 2, tổng thể các dự án giao thông của TP sẽ đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 30 - 40%, đến cuối quý 3 tăng lên khoảng 70 - 75% và đến cuối năm sẽ đạt từ 90 - 95%. Góp phần tạo những chuyển biến tích cực tại các công trình trọng điểm của thành phố.
Ông Phan Công Bằng cho biết: "Trong năm nay các giải pháp về di dời hạ tầng kỹ thuật đối với cầu Phước Long rồi công tác xử lý di dời hạ tầng kỹ thuật đối với nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ rồi sự phối hợp của các đơn vị quản lý làm sao giải quyết nhanh các thủ tục cấp phép để triển khai thi công. Đến thời điểm này các khó khăn vướng mắc cũng được các chủ đầu tư báo cáo và có được xử lý kịp thời của các Sở ngành liên quan. Các công trình khác như cầu Phước Long, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Quốc Lộ 50 đang gấp rút thi công. Năm nay cố gắng giải ngân 90%, đây là tín hiệu tích cực của những dự án".
Đừng để chậm tiến độ vì điện nước và hạ tầng kỹ thuật
Hiện nay, trong xây dựng cơ bản, nhất là giao thông ở TP.HCM và nhiều địa phương khác trong cả nước nổi lên thực trạng,cầu chờ đường hoặc cầu đường chờ công trình điện nước được di dời. Điều này, vô tình khiến cho nhiều dự án trọng điểm bị dậm chân tại chỗ, không sao tiếp tục thi công được.
Có những cây cầu, tuyến đường gần như hoàn chỉnh; nhưng đường đấu nối vẫn nằm chình ình nhiều cột điện, ống nước. Khi được hỏi thì ngành điện nước cho rằng muốn di dời phải có đấu nối, quy hoạch vì không thể tự dưng vì khánh thành cầu, đưa vào sử dụng đường mà ngắt điện, cắt nước của người dân ở toàn khu vực thâm chí là cả quận.
Ở TP.HCM còn có nhiều dự án khu dân cư, khu chung cư người dân đã vào ở từ lâu nhưng hệ thống đường sá xuống cấp; điện nước vẫn chưa đồng bộ theo. Cư dân phản ánh thì các đơn vị đổ thừa qua lại việc bảo trì, đấu nối. Thậm chí có dự án, chủ đầu tư đã bị vướng vòng lao lý, nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật không ai bảo dưỡng, chịu trách nhiệm; người dân chỉ biết than trời vì không có ai đứng ra giải quyết.
Rõ ràng trong xây dựng cơ bản nói chung và xây dựng dự án giao thông nói riêng, đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi theo là một yêu cầu mang tính quyết định đến hiệu quả thực sự của công trình mang lại; trong đó điện nước chính là những điều kiện thiết yếu không thể thiếu với bất cứ dự án, công trình nào.
Nếu hạ tầng kỹ thuật không được làm cùng lúc sẽ kéo theo cả công trình bị trì trệ, chậm tiến độ. Nguyên nhân của thực trạng này đầu tiên phải kể đến việc quy hoạch dự án, công trình khi làm đã không tính đúng, tính đủ về di dời, đấu nối hạ tầng kỹ thuật ra sao.
Đó cũng là biểu hiện của việc cát cứ, mạnh ai nấy làm. Ngành giao thông, xây dựng chỉ nhăm nhăm làm việc của mình mà không gắn bó, tương tác tốt với ngành điện, ngành nước và ngược lại. Công tác phối hợp để tháo gỡ, giải tỏa các khó khăn vướng mắc vì thế càng kéo dài; công trình dự án đội thêm vốn, đội thời gian xảy ra thường xuyên.
Ngoài ra công tác chỉ đạo, chỉ huy thống nhất ở từng dự án đã không được thường xuyên, nhất quán; khiến các đơn vị đều lúng túng trong phối hợp; để cho các nút thắt về hạ tầng kỹ thuật không sao cởi bỏ được.
TP.HCM và nhiều địa phương khác đang tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong xây dựng cầu đường và cơ sở hạ tầng để giúp vực dậy nền kinh tế đang có dấu hiệu xuống sức. Coi đây là "vốn mồi”; là động lực kích thích các ngành kinh tế khác tăng trưởng theo.
Tuy nhiên, để các công trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ, phục vụ tốt quốc kế dân sinh thì việc đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi theo là yêu cầu bắt buộc. Nếu làm chậm hoặc không tương thích thì chính là lực cản làm giảm tốc công năng mà các công trình, dự án đem lại; thậm chí là lực cản; gây trì trệ và sự lãng phí lớn.
Do vậy, khi đã tính toán đến việc xây cầu làm đường, thì việc quy hoạch, thiết kế thi công hạ tầng kỹ thuật đi theo cần làm một cách chi li, bài bản; lường trước các kịch bản để cần thì điều chỉnh ngay trên thực tế để công trình kịp tiến độ và không” vênh” nhau.
Để làm được điều này thì cơ quan quản lý, nhất là cấp có thẩm quyền phải theo sát từng khâu từng bước từ khâu thiết kế, lập quy hoạch đến việc kiểm tra giám sát trên thực tế công trình. Uốn nắn, chỉnh sửa kịp thời sai sót; đề ra các biện pháp khắc phục ngay các khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
Đặc biệt là chấm dứt” quyền anh, quyền tôi” trong xây dựng cơ bản để hướng tới mục tiêu mục đích cuối cùng là toàn bộ hệ thống dự án, công trình, kể cả hạ tầng điện, nước đi theo phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; đưa công trình sớm vào khai thác đúng như kế hoạch đã đề ra./.
Theo VOV.VN