Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trước bối cảnh tác động của thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng tăng, xung đột Nga - Ukraine diễn biến ngoài dự đoán… sẽ là những tác động không nhỏ đến kinh tế đất nước và cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó, theo Tổng Cục thống kê, trong 3 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42.900 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường…
Trước tình hình khó khăn này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển bền vững là vấn đề cấp bách của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập là những yếu tố để phát triển bền vững mà cộng đồng doanh nghiệp cần phải xem làm mục tiêu hướng tới.
“Chuyển đổi số và chuyển đổi kinh tế xanh, hội nhập là một trong những yếu tố là để phát triển bền vững. Nhiều quan điểm bây giờ đang khó khăn chưa nghĩ đến chuyện chuyển đổi kinh tế xanh. Nếu như chúng ta không nhìn trước, chỉ nhìn cái trước mắt, đến lúc phục hồi thì cả thế giới phát triển kinh tế xanh, mình không quan tâm, chú trọng chuyển đổi kinh tế xanh thì làm sao mình hội nhập. Do đó, theo tôi vấn đề này cần phải đi trước”, ông Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng kinh tế xanh, thương mại xanh là hướng đi giúp doanh nghiệp phát triển.
Ông Hoài cho biết, hiện nay, ngành gỗ có trên 6.000 doanh nghiệp (bao gồm cả 800 doanh nghiệp FDI), sử dụng trên 500.000 lao động… nhưng bên cạnh những tăng trưởng đã đạt được trong những năm qua, việc sử dụng nhân công và nguyên liệu giá rẻ cũng đã và đang trở thành thách thức khi liên tục bị giảm đi. Cùng với đó, sản phẩm gỗ liên quan đến rừng và cây liên tục bị soi xét về mặt nguyên liệu… Vì thế, việc kinh doanh có trách nhiệm sẽ là yếu tố quyết định để doanh nghiệp tồn tại.
“Các doanh nghiệp gỗ cần đổi mới công nghệ, thiết bị chuyển đổi thương mại xanh và kinh tế xanh, bởi vì kinh tế xanh đối với các sản phẩm khác đã là quan trọng nhưng đối với gỗ là sản phẩm khai thác rừng, trong đó có rừng tự nhiên, yêu cầu này đặt ra càng lớn. Chế biến và thương mại phải có trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đối với chúng tôi các doanh nghiệp gỗ thì vấn đề sử dụng phương pháp truy xuất để đảm bảo là gỗ này không gây phương hại đến rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên đã trở thành câu chuyện tồn tại hay không tồn tại”, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết./.
Nguyễn Hằng/VOV1